Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Không nên quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS


Theo đề xuất của Tổ biên tập BLHS sửa đổi, thì có ba nhóm chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm: các biện
pháp thay thế xử lý hình sự; các biện pháp tư pháp (Giáo dục tại xã, phường, thị trân; Giáo dục tại trường giáo dưỡng); và hình phạt (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn). Theo đó, các biện pháp thay thế hình sự là các chế tài mới được đề xuất bao gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức. Để quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, Tổ biên tập thay nguyên tắc "Người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục" bằng nguyên tắc "Cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Mục II Chương này" ở Điều 69 (Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội). Chúng tôi cho rằng, không nên quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bởi các lý do sau đây: - Lý do thứ nhất, theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới thì tội phạm và vi phạm hành chính (theo quy định của pháp luật Việt Nam) đều được gọi là tội phạm. Trong đó, vi phạm hành chính là tội vi cảnh và tội phạm là tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, so với quy định của pháp luật một số nước trên thế giới, thì Việt Nam đã phân hóa trách nhiệm hình sự (theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới) thành trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính là hành vi ít nguy hiểm cho xã hội hơn hành vi phạm tội. Còn hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội và bị xử phạt theo quy định của BLHS. Tại khoản 3 Điều 8 BLHS quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Quy định này được Tổ biên tập BLHS sửa đổi giữ nguyên tại Điều 9 (Khái niệm tội phạm) dự thảo BLHS sửa đổi. Về cơ sở của trách nhiệm hình sự, thì tại Điều 2 dự thảo BLHS quy định “chỉ người nào… phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam là trách nhiệm pháp lý hình sự mà người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết tội và áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự, chịu mang án tích do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tình chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó đã thực hiện. Như vậy, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm hình sự và không thể thay thế bằng trách nhiệm pháp lý khác. So sánh về sự tương thích, thì Nhà nước ta đã quy định biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội vi cảnh (tội hình sự nhỏ) bằng cách quy định trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật hành chính bằng cách ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. - Lý do thứ hai, việc xử lý vi phạm hành chính (phạm tội hình sự nhỏ hoặc tội vi cảnh) đối với người chưa thành niên đã được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 89 và 90 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với người chưa thành niên như sau: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp những người nêu trên không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tại Điều 91 và 92 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng đối với những người chưa thành niên như sau: người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. - Lý do thứ ba, việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm hành chính cũng được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 138 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì có thể áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm: Nhắc nhở; Quản lý tại gia đình. Trong đó: + Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo; Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. + Quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) của Luật xử lý vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình. Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật. - Lý do thứ tư, về hiệu quả của việc áp dụng hình thức xử lý cảnh cáo, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Chúng tôi cho rằng, các hình thức và các biện pháp nêu trên chỉ đạt được mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội khi: + Một là, môi trường đạo đức xã hội thật sự lành mạnh. Quy phạm đạo đức thực sự là một công cụ tốt để giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong khi, phải thừa nhận rằng, đạo đức xã hội ở nước ta đã thật sự xuống cấp. Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Chúng lôi kéo bè cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), thậm trí hành hung cả thầy cô giáo, rồi con giết cha, anh giết em; trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng. Những hành vi tàn bạo này được đăng trên mặt báo chỉ là tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa. Cách đây không lâu người ta choáng váng vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn đăng tải trên Internet. Trong clip này, một cô bé đang bị một nữ sinh tóc ngắn vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục với kiểu "dạy dỗ" rất “anh chị”. Trong khi đó, nhiều học sinh khác ngồi chễm chệ ở ghế đá và thản nhiên nhìn vụ đánh hội đồng này. Một thái độ vô cảm không thể ngờ được. Sau đó, dư luận lại đau lòng và kinh hãi trước tình trạng gia tăng bạo lực học đường của nữ sinh Việt Nam được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông. Đáng báo động hơn nữa, hiện tượng sinh viên, học sinh đánh giáo viên cũng gia tăng. Có những giáo viên đang giảng bài, bất ngờ bị học trò lấy mã tấu trong cặp xông lên bục giảng chém trọng thương. Bên cạnh đó, tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao. Theo Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Đại học Sư phạm Tp. HCM, việc các bạn trẻ quan hệ trước hôn nhân không chỉ ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây mà còn do lối sống quá dễ dãi, đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Á Đông, đó là: tôn trọng lễ nghĩa gia phong, nam nữ thọ thọ bất tương thân, nét đẹp của người con gái là thùy mị nết na…. Đồng thời, tình trạng nạo pha thai cũng đang ở mức báo động. Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM - cho biết: thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại. Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TP.HCM, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. Tại BV Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người và tổng số 1,2-1,6 triệu ca mỗi năm. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi”. Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng đĩa phim sex được trao cho nhau cách dễ dàng, từ những quán Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, rồi vào những ngôi nhà nghỉ. Mặt khác, tình trạng đua xe diễn ra ở nhiều nơi. Ngay tại Thị xã Thủ Dầu Một, vào những đêm cuối tuần, khoảng 200 bạn trẻ tụ tập đua xe làm cho Cảnh sát Giao thông cũng phải “bó tay”.[1] Theo nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cùng với những cộng sự của mình về “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức-nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường ĐH tại TP.HCM trong giai đoạn hiện nay” cho thấy: "Một tỷ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra, có 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Hơn nữa, còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong sinh viên. Cụ thể: 39% sinh viên chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước; 43% sinh viên chấp nhận rằng hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc. Một tỷ lệ cũng rất cao là có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó, có 18% sinh viên chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. Trong phạm vi quan hệ gia đình, có đến 60% sinh viên đổ mọi trách nhiệm nuôi dậy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những con người đó."[2] + Hai là, người chưa thành niên phải chấp nhận và chịu sự quản lý của gia đình. Bởi lẽ, chỉ có chịu sự quản lý của gia đình thì gia đình mới thực hiện các biện pháp chăm sóc giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu về tình hình người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đa số trường hợp trẻ em phạm tội khi đã bỏ nhà đi lang thang. Cụ thể: "Thứ nhất, có tới 44 tỉnh, thành phố có công dân là người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó: Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất 741 người, chiếm 66,63%; tỉnh Đồng Nai 34 người, chiếm 3,05%; tỉnh Long An 14 người, chiếm 1,25%; tỉnh Bình Dương 12 người, chiếm 1,07%... Thứ hai, trong số các tỉnh, thành phố khác thì các tỉnh tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh như tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương là những tỉnh có nhiều người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hơn các tỉnh, thành phố ở xa thành phố Hồ Chí Minh. Thứ ba, vẫn còn một số lượng lớn (163 người chưa thành niên, chiếm 14,65%) phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mà không xác định được địa phương nơi cư trú. Đáng chú ý là tội phạm mà những người không rõ nơi cư trú thực hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều là các hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội. Trong số 163 người chưa thành niên phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nêu trên có: 31 người phạm tội giết người; 57 người phạm tội cướp tài sản; 55 người phạm tội cướp giật tài sản; 8 người phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý; 7 người phạm tội hiếp dâm trẻ em; 1 người phạm chiếm đoạt trẻ em; và chỉ có 1 người phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Thứ tư, hầu hết người chưa thành niên không xác định được nơi cư trú và phạm tội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều là những người không biết chữ hoặc có trình độ văn hoá rất thấp (chưa học hết tiểu học). Như vậy, việc người chưa thành niên đang trong độ tuổi học sinh nhưng không được tới trường mà đi xa quê hương làm ăn, sinh sống thoát ly khỏi sự quản lý, giám sát của cha mẹ có thể là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên"[3]. Những nghiên cứu nêu trên cho thấy, tình trạng “nhờn” luật của một bộ phận người chưa thành niên, quy phạm đạo đức không đủ khả năng giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành niên đã rời khỏi gia đình và phạm tội thể hiện việc gia đình không thể quản lý giáo dục được nên phải xử lý bằng biện pháp mạnh hơn. Nay lại đề xuất xử lý chuyển hướng bằng biện pháp thay thế biện pháp hình sự bằng cách giao cho gia đình quản lý giáo dục. Chúng tôi cho rằng, nếu quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng, thay thế biện pháp hình sự như dự thảo BLHS chỉ là điều kiện để người chưa thành niên trốn tránh trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. - Lý do thứ năm, thực tiễn thi hành pháp luật hình sự từ năm 1985 đến nay cho thấy, quy định của BLHS (nhất là BLHS năm 1999) không có vướng mắc bất cập lớn. Về chính sách hình sự, thì so với người đã thành niên, người chưa thành niên phạm tội được hưởng các chính sách nhân đạo hơn sau đây: + Một là, ngoài ba trường hợp quy định tại Điều 25 BLHS, người chưa thành viên phạm tội còn có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS. Để có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này cần ba điều kiện sau: Thứ nhất, tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây nguy hại không lớn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù… Ở đây có sự mâu thuẫn giữa khoản 2 Điều 69 và khoản 3 Điều 8 BLHS. Bởi vì đã là tội phạm nghiêm trọng thì đương nhiên phải là tội gây nguy hại lớn cho xã hội (Điều 8). Vậy thì không thể có tội phạm nghiêm trọng gây hại không lớn (Điều 69). Có chăng thì chỉ có phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng nhưng hậu quả không lớn. Nhưng nếu hiểu là phạm tội nghiêm trọng gây hậu quả không lớn thì chưa bao hàm tính chất của hành vi phạm tội, mức độ tham gia trong các vụ án có đồng phạm là người chưa thành niên. Rõ ràng điểm này chưa được cơ quan làm luật nhớ tới khi sửa đổi nội dung khoản 3 Điều 59 BLHS năm 1985. Cho nên, mới chỉ chèn thêm cụm từ "hoặc tội nghiêm trọng" vào trước cụm từ "Gây hại không lớn" làm cho nội dung của nó thiếu thống nhất với quy định tại Điều 8 BLHS. Tuy nhiên với việc phân loại tội phạm như Điều 10 dự thảo BLHS sửa đổi, thì bất cập này đã được khắc phục. Thứ hai, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ là trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên. Theo lôgíc thì để quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS cần phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS. Vậy thì để được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cũng cần phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS. Thứ ba, người phạm tội được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Luật không quy định là trong trường hợp nào thì gia đình, trong trường hợp nào thì cơ quan, tổ chức. Nhưng theo chúng tôi, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể để chấp nhận ai giám sát, giáo dục, cụ thể là: Nếu người phạm tội đang sinh sống với gia đình, thì phải được gia đình nhận giám sát, giáo dục; còn trường hợp người phạm tội không ở với gia đình như đi làm ở cơ quan, tổ chức hoặc đi học ở các trường nội trú… thì phải được cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục mới được xem xét để quyết định cho miễn trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới bảo đảm logic với: nguyên tắc xử lý “Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể… giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát giáo dục”; và với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là có trách nhiệm giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình… + Hai là, theo quy định của BLHS năm 1999 và dự thảo BLHS sủa đổi, thì những hình phạt không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là tù chung thân, tử hình. Đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không áp dụng hình phạt tiền đối với họ. Và cũng không áp dụng hình phạt bổ sung đến với người chưa thành niên phạm tội. + Ba là, tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. So với BLHS năm 1985 thì BLHS năm 1999 có sự thay đổi theo hướng giảm nhẹ, khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội. BLHS cũng quy định chính sách hình sự đối với từng nhóm lứa tuổi của người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể Điều 74 BLHS quy định: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt từ chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù, nếu tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. + Bốn là, việc tổng hợp hình phạt đối với người phạm nhiều tội trong đó có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi cũng có điểm đặc biệt phụ thuộc vào tội nặng nhất được thực hiện khi nào. Theo Điều 75 BLHS thì: Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 BLHS, còn trường hợp tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội. + Năm là, ngoài các biện pháp tư pháp chúng được quy định tại các Điều 41 - 43 BLHS, BLHS còn quy định các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục phòng ngừa chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Đó là biện pháp thay thế hình phạt được quy định tại Điều 70 BLHS, bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. + Sáu là, một nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. + Bảy là, chính sách miễn giảm hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại điều 76 BLHS, So với quy định tại Điều 66 BLHS năm 1985, thì BLHS năm 1999 quy định cụ thể và chi tiết hơn điều kiện và mức giảm, miễn chấp hành hình phạt đã tuyên. Về hình phạt cải tạo không giam giữ và phạt tù có hai loại điều kiện xét giảm căn cứ vào thời hạn đã chấp hành hình phạt và điều kiện giảm, cụ thể: Trường hợp thứ nhất, phải có hai điều kiện là có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn (cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn) mà Toà án đã tuyên phạt. Về mức giảm trong trường hợp này Luật chỉ quy định đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên. Như vậy, mức tối thiểu của thời hạn được giảm không bị luật khống chế. Trường hợp thứ hai, không cần phải có điều kiện là đã chấp hành được bao nhiêu thời hạn hình phạt đã tuyên. Việc xét giảm, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại được xem xét và quyết định ngay khi xuất hiện một trong hai điều kiện là lập công và mắc bệnh hiểm nghèo. Mức giảm trong trường hợp này Luật chỉ quy định tối đa là toàn bộ phần hình phạt còn lại. Nếu giảm thời hạn tối đa bằng phần hình phạt còn lại, thì Toà án phải ra quyết định "Miễn chấp hành hình phạt" còn lại đối với bị án. Riêng đối với hình phạt tiền, điều luật không quy định đã chấp hành được bao nhiêu mà chỉ quy định là khi có một trong hai điều kiện: có sự thay đổi về hoàn cảnh kinh tế như lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra; lập công lớn. Khi có một trong hai điều kiện trên, nếu Viện trưởng VKS nơi đang kiểm sát thi hành bản án đó có văn bản đề nghị thì Toà án xét quyết định giảm mức phạt hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại. + Tám là, xoá án tích đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ được đặt ra khi người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt. Còn trường hợp họ được áp dụng những biện pháp tư pháp có tính giáo dục phòng ngừa, thì không bị coi là có án tích. Cũng giống như người thành niên, đối với người chưa thành niên phạm tội có hai loại xoá án tích là đương nhiên được xoá án tích và xoá án tích do Toà án quyết định. Điểm khác nhau duy nhất là thời hạn để đương nhiên được xoá án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 BLHS. Tức là, người chưa thành niên bị kết án về các tội quy định tại một trong các chương từ chương XII đến chương XXIII BLHS, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết hiệu lực thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: Sáu tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo; mười tám tháng trong trường hợp bị phạt tù đến ba năm; ba mươi tháng trong trường hợp hình phạt tù trừ trên ba năm đến mười lăm năm, bốn mươi hai tháng trong trường hợp hình phạt tù từ trên mười lăm năm. Với những chính sách khoan hồng nêu trên cùng với quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo BLHS sửa đổi theo hướng người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (được liệt kê cụ thể), có thể thấy số hành vi phạm tội mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ giảm đi một cách đáng kể so với quy định của BLHS hiện hành. Điều này càng cho thấy không cần thiết phải quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự (Mục II. Các biện pháp thay thế xử lý hình sự) Chương "Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội" dự thảo BLHS sửa đổi. Những đề cập nêu trên cho thấy đề xuất, thay thay nguyên tắc "Người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục" bằng nguyên tắc "Cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Mục II Chương này" là không thuyết phục. Bởi lẽ, như đã trình bày đây là chính sách hình sự chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi đã được quy định trong BLHS hiện hành. Thực tiễn áp dụng không có gì vướng mắc, bất cập. Mặt khác, tại Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: "1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. 2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. 3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. 4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm". Và tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: "Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính..." Như vậy, quy định về việc chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xử lý vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã là một dấu hiệu định tội của một số tội phạm quy định "đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm". Đối với những tội phạm không quy định dấu hiệu định tội "đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm", thì việc xử lý vi phạm hành chính là một đặc điểm nhân thân được ghi ở mục "Tiền sự" của bị cáo. Theo nguyên tắc khi quyết định hình phạt, tòa án phải căn cứ vào "... nhân thân người phạm tội..." thì người chưa thành niên đã bị xử phạt hành chính mà còn phạm tội sẽ bị xử phạt nặng hơn người chưa thành niên phạm tội khi chưa bị xử phạt hành chính. Cho nên không thể nói rằng "Theo quy định của BLHS hiện hành, việc miễn trách nhiệm hình sự không đi kèm theo các điều kiện bảo đảm tức là không có các biện pháp giáo dục người chưa thành niên tại cộng đồng nào được áp dụng đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự nên có thể dẫn đến tái phạm vì vậy, đồng thời với việc miễn trách nhiệm hình sự thì áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự để bảo đảm rằng người chưa thành niên được giám sát, giáo dục, bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ tái phạm."
                                                                                                                                            TS. Mai Bộ

Không có nhận xét nào: