Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Về áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với người chưa thành niên


Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải


chịu trách nhiệm hình sự, trong đó người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (Mức cao nhất của khung hình phạt đến mười lăm năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Tuy nhiên, thể hiện chính sách hình sự của nhà nước ta đối với người chưa thành niên – là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, là người ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và nhiều khi còn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, khách quan khác. Chính sách hình sự của Nhà nước ta là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, nên Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự đã dành 01 chương riêng để quy định khi các đối tượng này tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Các biện pháp ngăn chặn được áp dụng gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (được quy định tại Điều 79 Bộ luật TTHS). Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi về vấn đề bắt tạm giam bị can, bị cáo là người chưa thành niên ở giai đoạn xét xử Trường hợp bị cáo là người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng được tại ngoại và bỏ trốn sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau: Quan điểm 1. Tòa án yêu cầu cơ quan điều tra Truy nã bắt giam bị cáo để đảm bảo xét xử và tạm đình chỉ vụ án chờ kết quả truy nã Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự về bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý (mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù); phạm tội rất nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù) hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (trên 15 năm, chung thân, tử hình). Nếu trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo không bị tạm giam nên khi triệu tập đến phiên tòa và tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo bỏ trốn, hồ sơ vụ án chưa đủ điều kiện để xét xử vắng mặt, Do đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cùng với việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và có công văn yêu cầu cơ quan điều tra ra lệnh truy nã và bắt giam bị cáo để đảm bảo xét xử. Bởi lẽ trong trường hợp này, bị cáo bỏ trốn tại địa phương, tuy phạm tội ít nghiêm trọng nhưng đã có dấu hiệu cố ý gây cản trở nghiêm trọng việc xét xử nên cần truy nã, bắt và tạm giam để đảm bảo xét xử theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự (Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;). Quan điểm thứ 2: Tòa án không thể yêu cầu cơ quan công an truy nã bắt tạm giam bị cáo. Biện pháp bắt tạm giam là một biện pháp nghiêm khắc nhất, vì khi áp dụng biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhân thân của người bị bắt, do đó Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, chi tiết các trình tự, thủ tục về bắt tạm giam nhằm tránh sự tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc bắt tạm giữ, tạm giam chỉ áp dụng đối với các bị can, bị cáo trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm một trong những tội được quy định trong BLHS mà khung hình phạt trên 2 năm tù và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc xét xử hoặc tiếp tục phạm tội. Đối với người chưa thành niên thì quy định chặt chẽ hơn và có Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, ngày 12 tháng 07 năm 2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh xã hội về hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên nhằm đảm bảo chính sách hình sự của nhà nước ta. Theo Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ được bắt tạm giam bị cáo trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do bị cáo là người chưa thành niên, phạm tội ít nghiêm trọng nên không thể yêu cầu cơ quan truy nã bắt tạm giam bị cáo để đảm bảo xét xử theo quy định của BLTTHS. Khi thực hiện các thủ tục tố tụng, phải phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người chưa thành niên. Bị cáo phạm tội nghiêm trọng trở lên và có đủ các điều kiện quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự thì mới được bắt tạm giam bị cáo, trong trường hợp này, Bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng và là người chưa thành niên nên không thể bắt giam đối với bị cáo vì không thỏa mãn các điều kiện quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. Trên đây là vướng mắc về nghiệp vụ, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể mong quý bạn đọc quan tâm trao đổi để áp dụng thống nhất pháp luật.

Không có nhận xét nào: