Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Sửa đổi, bổ sung tội mua bán người và tội mua bán trẻ em theo hướng nội luật hóa công ước quốc về tội buôn bán người


Văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người Văn bản pháp luật quốc tế về tội buôn bán người bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về 
phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Theo quy định của Công ước, thì quốc gia thành viên của Công ước có trách nhiệm ban hành pháp luật và các biện pháp cần thiết khác để coi các hành vi được đề cập trong Công ước là tội phạm, trong đó có hành vi “buôn bán người”. Khái niệm “buôn bán người” được quy định tại Điều 3 Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như sau: “a) “Buôn bán người” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức nô lệ hay những hình thức tương tự như nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể; b) Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu trong khoản (a) là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào được nêu trong khoản (a) đã được sử dụng; c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần đến bất kỳ hình thức nào được nói trong khoản (a) điều này; d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.” Như vậy, theo quy định tại Công ước quốc tế, thì bị coi là phạm tội buôn bán người đòi hỏi phải có đủ các dấu hiệu về hành vi, phương tiện và mục đích. Theo đó, về hành vi thì buôn bán người được thể hiện bởi một trong các hành vi: chuyển giao; tiếp nhận; tuyển mộ; vận chuyển; chứa chấp. Về phương tiện (thủ đoạn), thì các hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn: sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Về mục đích, thì mục đích của hành vi buôn bán người là “bóc lột” bao gồm: bóc lột bằng cách bắt hành nghề mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác; cưỡng bức lao động hoặc cung cấp dịch vụ, bao gồm lao động để trả nợ hoặc gán nợ; lao động nô lệ hoặc các hình thức tương tự; phục dịch như nô lệ, bao gồm nô lệ tình dục; lấy tạng; sử dụng cho hoạt động trái pháp luật hoặc phạm tội; cưỡng bức hôn nhân hoặc biến thành nô lệ thông qua hôn nhân; cưỡng bức hoặc cưỡng ép đi ăn xin; bắt tham gia vào xung đột vũ trang v.v… Theo quy định của Công ước quốc tế, thì “Sự chấp thuận của một nạn nhân của việc buôn bán người đối với sự bóc lột có chủ ý được nêu trong khoản (a) là không thích đáng nếu bất kỳ cách thức nào được nêu trong khoản (a) đã được sử dụng”. Ở đây, có thể có hai quan điểm về sự đề đồng thuận của nạn nhân với mục đích bóc lột trong tội buôn bán người. Quan điểm thứ nhất cho rằng, đặt vấn đề về sự đồng thuận của nạn nhân bị buôn bán với việc bị bóc lột là không phù hợp khi truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi buôn bán người. Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể bào chữa cho hành vi phạm tội buôn bán người khi nạn nhân bị buôn bán đồng thuận với hành vi bóc lột dự kiến sẽ xảy ra hoặc sự đồng thuận ấy được coi như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như hành vi bóc lột dự kiến sẽ không diễn ra. Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai và cho rằng, không thể bào chữa cho người thực hiện hành vi buôn bán người khi nạn nhân bị buôn bán đồng thuận với hành vi bóc lột dự kiến sẽ xảy ra hoặc sự đồng thuận ấy được coi như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như hành vi hành vi bóc lột dự kiến sẽ không diễn ra. Bởi lẽ, theo Bộ luật nhân quyền quốc tế, thì: “Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm”;[1] “ 1) Không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm. 2) Không ai bị bắt làm nô dịch. 3) a. Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức. b. Mục a Khoản 3 điều này không cản trở việc thực hiện lao động cưỡng bức theo bản án của một Tòa án có thẩm quyền ở những nước còn áp dụng hình phạt tù kèm lao động cưỡng bức như một hình phạt đối với tội phạm….”[2] Còn theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[3]; “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kể hình thức đối xử nào xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh sự nhân phẩm”[4]. 2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em. Theo quy định của Bộ luật hình sự nước ta, thì ở Việt Nam có hai tội phạm mua bán người là Tội mua bán người (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Theo đó, mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây: 1. Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; 2. Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; 3. Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán; 4. Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác; 5. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người”[5] “Mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây: a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán; d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.[6] Như vậy, quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em ít nhiều đã có sự tương thích với quy định của Công ước quốc tế về tội buôn bán người. Sự tương thích thể hiện ở những điểm sau: pháp luật nước ta không những quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi mua bán người nhỏ lẻ (một lần) mà còn quy định là tội phạm hình sự đối với hành vi mua bán người có tính chất tổ chức, nhiều lần (buôn bán) như quy định của Công ước quốc tế; tuy không quy định trong Bộ luật hình sự nhưng văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đã hướng dẫn về các thủ đoạn phạm tội mua bán người như môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, đưa người đi lao động nước ngoài trái phép, môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật; mục đích để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài, để sử dụng vào mục đích mại dâm hoặc mục đích vô nhân đạo được quy định là các tình tiết định khung hình phạt. Sự không tương thích lớn nhất giữa quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội mua bán người, Tội mua bán trẻ em với quy định của Công ước quốc tế về tội buôn bán người thể hiện ở hai điểm chính sau đây: - Thứ nhất, quy định về người thực hành tội phạm. Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, thì chỉ người thực hiện hành vi mua bán người (hành vi chuyển giao theo quy định của Công ước) được gọi là người thực hành, bao gồm người bán (người chuyển giao) và người mua người (người tiếp nhận). Còn những người thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp để chuyển giao mà Công ước quốc tế coi là người thực hành thì pháp luật Việt Nam chỉ coi là người giúp sức. Ngoài ra, theo cơ chế đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự Việt Nam thì ngoài người thực hành, người giúp sức còn có người tổ chức và người xúi giục cũng bị truy tố về Tội mua bán người, Tội mua bán trẻ em nếu việc phạm tội có tổ chức. Hệ quả của sự không tương thích này là theo quy định của Bộ luật hình sự nước ta, thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự được người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (người tuyển mộ, người vận chuyển, người chứa chấp) khi truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi mua hoặc bán người (người chuyển giao hoặc người tiếp nhận). - Thứ hai, quy định về mục đích bóc lột của tội phạm. Mục đích phạm tội mua bán người theo quy định của Bộ luật hình sự nước ta chưa bao hàm hết mục đích phạm tội buôn bán người theo quy định của Công ước quốc tế. Cụ thể, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định mục đích để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài, để sử dụng vào mục đích mại dâm hoặc mục đích vô nhân đạo được quy định là các tình tiết định khung hình phạt. Còn các mục đích khác như: bóc lột tình dục; cưỡng bức lao động hoặc cung cấp dịch vụ, bao gồm lao động để trả nợ hoặc gán nợ; lao động nô lệ hoặc các hình thức tương tự; phục dịch như nô lệ, bao gồm nô lệ tình dục; lấy tạng; sử dụng cho hoạt động trái pháp luật hoặc phạm tội; cưỡng bức hôn nhân hoặc biến thành nô lệ thông qua hôn nhân; cưỡng bức hoặc cưỡng ép đi ăn xin; bắt tham gia vào xung đột vũ trang v.v… thì chưa được quy định. Ngoài mục đích bóc lột, thì mục đích và bản chất của hành vi mua bán theo ngôn ngữ Việt Nam thì “mua bán” phải kèm theo việc đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Cho nên, nhất thiết phải quy định dấu hiệu đã hoặc sẽ nhận nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất trong cấu thành tội phạm của Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em. Bởi lẽ, chỉ có quy định dấu hiệu này mới phân biệt được Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em với Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. 3. Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước quốc tế về tội buôn bán người Hiện nay, nước ta đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009 và một trong những quan điểm chỉ đạo là nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Theo chúng tôi, việc hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước quốc tế về tội buôn bán người phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là ngôn ngữ và kỹ thuật lập pháp. Về ngôn ngữ, thì thuật ngữ “mua bán người” có nghĩa rộng hơn thuật ngữ “buôn bán người”. Bởi lẽ, mua bán người là hành vi mua hoặc bán người một hoặc nhiều lần. Đó có thể là hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc mua bán người có tính chất chuyên nghiệp là “buôn bán người”. Do vậy, về mặt ngôn ngữ, chúng tôi đồng tình với quan điểm đặt tên tội danh của các tội phạm là “Tội mua bán người” và “Tội mua bán trẻ em”. Về kỹ thuật lập pháp, thì các tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam được thiết kế theo theo hai phương pháp. Đa số các tội phạm cụ thể được thiết kế theo phương pháp cấu thành cơ bản mô tả hành vi của người thực hành, còn người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hành theo cơ chế đồng phạm (Điều 20 Bộ luật hình sự). Tuy nhiên, cũng có tội phạm được thiết kế theo hướng người tổ chức, người giúp sức được quy định ngay trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Ví dụ: Điều 79 quy định về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như sau: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”; theo quy định tại Điều 80 về Tội gián điệp thì: “1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”. Nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về tội gián điệp chúng tôi thấy hoạt động tình báo, phá hoại, cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài là những hành vi thể hiện bản chất và là hành vi của người thực hành tội gián điệp. Còn các hành vi gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những hành vi giúc sức cho hành vi thực hiện hành vi gián điệp. Nhưng vì tích chất đặc biệt của khách thể (quan hệ xã hội) mà luật hình sự bảo vệ thông qua việc quy định Tội gián điệp mà nhà làm luật đã quy định như Điều 80 Bộ luật hình sự là một việc làm cần thiết. Do vậy, có thể áp dụng kỹ thuật lập pháp như quy định tại Điều 80 khi thiết kế quy định của Bộ luật hình sự về “Tội mua bán người” và “Tội mua bán trẻ em”. Về cấu thành tội phạm, thì có thể cho rằng hành vi “chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột” là hành vi thể hiện bản chất của Tội mua bán người. Trong đó, người chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột và người nhận người đã hoặc sẽ trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột là những người thực hành. Còn những hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột chỉ là những hành vi chuẩn bị cho hành vi chuyển giao người. Người tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột chỉ là những người giúp sức cho người thực hiện hành vi chuyển giao người. Như đã trình bày, thì Công ước quốc tế về tội buôn bán người quy định và trừng trị người tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để chuyển giao người đã hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất vì mục đích bóc lột chỉ là những người giúp sức cho người thực hiện hành vi chuyển giao người ngay cả khi không hoặc chưa truy cứu trách nhiệm hình sự người chuyển giao người (người thực hành hành vi mua bán người). Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự người tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người thì đòi hỏi mục đích kép của những người này là “để chuyển giao người” và “vì mục đích bóc lột”. Riêng “mục đích bóc lột” rất đa dạng (đã trình bày ở trên) nên khi thiết kế cấu thành tội mua bán người cũng như tội mua bán trẻ em chỉ cần quy định là “vì mục đích bóc lột”. Còn thế nào là “vì mục đích bóc lột” thì cần được hướng dẫn ở văn bản dưới luật. Theo đề xuất của Tổ biên tập Bộ luật hình (sửa đổi), thì Tội mua bán người và tội mua bán trẻ em được sửa đổi như sau: - “Tội mua bán người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù bảy năm đến mười lăm năm: a) Chuyển giao người trái ý muốn của họ cho người khác có nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. b) Tiếp nhận người trái ý muốn của họ từ người khác có trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhằm bóc lột tình dực, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác trái ý muốn của họ để thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; d) Để đưa ra nước ngoài; đ) Đối với từ hai người trở lên; e) Phạm tội từ hai lần trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm; h) Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc mạng internet để mua bán người. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.” - Tội mua bán trẻ em 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù bảy năm đến mười lăm năm: a) Chuyển giao trẻ em cho người khác có nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. b) Tiếp nhận trẻ em từ người khác có trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhằm bóc lột tình dực, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Đối với trẻ em mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để đưa ra nước ngoài; h) Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc mạng internet để mua bán trẻ em. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Đối với từ hai trẻ em trở lên; d) Phạm tội từ hai lần trở lên; đ) Lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.” Nghiên cứu dự thảo của Tổ biên tập Bộ luật hình sự về tội mua bán người, chúng tôi thấy có một số hạn chế sau đây: - Thứ nhất, dự thảo chưa bảo đảm logic cần thiết giữa hành vi chuyển giao (bán, mua người) với hành vi tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển. Bởi lẽ, hành vi của người tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển chỉ cấu thành tội mua bán người khi họ thực hiện một trong các hành vi nêu trên với mục đích “để chuyển giao người” và “vì mục đích bóc lột”. - Thứ hai, theo quy định của dự thảo thì chỉ bị coi là tội phạm mua bán người khi thực hiện các hành vi mua bán người cùng các hành vi giúp sức cho người thực hiện hành vi mua hoặc bán người “trái với ý muốn của nạn nhân”. Chúng tôi cho rằng, quy định như trên là không ổn bởi lẽ, nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là quy định là tội phạm và trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi phạm tội không phụ thuộc vào ý chí của người bị phạm tội. Cho nên, không thể bào chữa cho hành vi phạm tội buôn bán người khi nạn nhân bị buôn bán đồng thuận với hành vi bóc lột dự kiến sẽ xảy ra hoặc sự đồng thuận ấy được coi như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như hành vi hành vi bóc lột dự kiến sẽ không diễn ra. - Thứ ba, dự thảo dùng các cụm từ “có nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”, “có trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Quy định như vậy không bao hàm trường hợp mua bán chịu “sẽ nhận hoặc sẽ trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” bởi lẽ, thực tiễn mua bán của Việt Nam có chuyện mua bán chịu. Mặt khác về kỹ thuật lập pháp, thì khi thiết kế tội nhận hối lộ, tại Điều 278 Bộ luật hình sự dùng cụm từ “đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác…”. - Thứ tư, dự thảo mới chỉ quy định có nhận, có trả “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” mà không quy định “lợi ích phi vật chất” trong khi Công ước quốc tế không quy định mục đích nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất khác mà chỉ quy định mục đích “nhằm bóc lột”. Thực tiễn pháp lý Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, việc mua bán người có nhiều trường hợp không cần phải nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất khác mà lợi ích đó sẽ đạt được khi thực hiện hành vi bóc lột trong tương lai. - Thứ năm, mục đích “nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác” được quy định là yếu tố định khung hình phạt của Tội mua bán người của Bộ luật hình sự hiện hành nay được quy định là yếu tố định tội. Như vậy, chỉ khi nào người bị phạm tội bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị lấy bộ phận cơ thể thì người phạm tội mua bán người mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tình tiết định khung hình phạt tương ứng. Trong khi theo quy định của Công ước quốc tế, thì mục đích của việc ban hành Công ước là ‘ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”[7]. - Thứ sáu, mục đích và bản chất của việc quy định hai tội phạm độc lập là tội xâm phạm người đã thành niên và tội xâm phạm người chưa thành niên trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành là để thể hiện chính sách hình sự xử phạt nặng hơn người phạm tội đối với trẻ em. Ví dụ: hình phạt đối với hành vi hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (đoạn 1 khoản 4 Điều 111), hiếp dâm trẻ em (khoản 1 Điều 112) nặng hơn hành vi hiếp dâm người đã thành niên (khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự); hình phạt đối với hành vi cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (đoạn 1 khoản 4 Điều 113), cưỡng dâm trẻ em (khoản 1 Điều 114) nặng hơn hành vi cưỡng dâm người đã thành niên (khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự). Nhưng quy định tại khoản 1 Điều 119 và khoản 1 Điều 120 dự thảo Luật về mức khởi điểm của khung hình phạt lại bằng nhau và đều là “bảy năm”. Quy định như trên là chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán trẻ em so với hành vi mua bán người lớn. Từ những lập luận nêu trên và để hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em theo hướng nội luật hóa Công ước quốc tế về Tội buôn bán người, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung cấu thành tội phạm của Tội mua bán người và Tội mua bán trẻ em như sau: “Điều… Tội mua bán người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm bóc lột bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác thì bị phạt tù từ…: a) Chuyển giao người, đã hoặc sẽ nhận trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất khác; b) Tiếp nhận người, đã hoặc sẽ trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất; c) Tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển để chuyển giao người, đã hoặc sẽ nhận trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất khác. Điều… Tội mua bán trẻ em 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm bóc lột bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát trẻ em thì bị phạt tù từ…: a) Chuyển giao, đã hoặc sẽ nhận trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất khác; b) Tiếp nhận, đã hoặc sẽ trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất; c) Tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển để chuyển giao, đã hoặc sẽ nhận trả tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất khác.” 

                                                                                                                      TS. Mai Bộ

Không có nhận xét nào: