Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Một số vấn đề về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự


Nghiên cứu Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về xác định tư cách người tham gia tố tụng, chúng tôi nhận thấy về cơ bản nhà làm luật đã định nghĩa khái 
niệm người tham gia tố tụng, như: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; riêng khái niệm về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì không được đưa ra mà chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của họ tại Điều 54 BLTTHS. Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn về khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong BLTTHS. Việc làm rõ tư cách của người tham gia tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của mình. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, người tiến hành tố tụng khi lấy lời khai của đương sự trong nhiều trường hợp đã không xác định tư cách của người bị lấy lời khai tham gia với tư cách gì; việc có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tư cách đương sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng xảy ra không ít. Trong một số tài liệu bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự, có tác giả đưa ra định nghĩa “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được hiểu là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc có tham gia vào việc thực hiện tội phạm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải đưa vào tham gia tố tụng để xử lý theo pháp luật về quyền hoặc nghĩa vụ về tài sản của họ có liên quan đến tội phạm.."[1] hoặc “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người có quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định của Toà án..”[2]. Nhìn chung, các quan điểm này đều khẳng định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không phải là bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vv.., tuy nhiên cũng chưa tách bạch được thế nào là người có quyền lợi, thế nào là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trong thực tiễn xét xử có các cách hiểu sau đây về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như: 1. Nếu người đó là người chỉ có quyền lợi mà không có nghĩa vụ thì xác định là người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Ví dụ: Nguyễn Văn A mượn xe máy của anh Trần Văn Đ để đi cướp giật tài sản (anh Đ không biết A đi cướp giật tài sản). Khi đang cướp giật tài sản thì Nguyễn Văn A bị bắt quả tang. Cơ quan công an đã thu giữ chiếc xe máy của anh Đ. Trong trường hợp này xác định anh Đ là người có quyền lợi liên quan đến vụ án[3]. Anh Đ có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng trả lại chiếc xe máy cho mình (lợi ích của mình bị xâm phạm). Anh Đ không phải là người có nghĩa vụ trong vụ án. 2. Nếu người đó chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền lợi thì xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan. Ví dụ: A cướp giật tài sản là 01 dây chuyền vàng, sau khi cướp được A đã cho bạn gái của mình là chị X, trong trường hợp này xác định chị X tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chị X có nghĩa vụ trả lại tài sản cho người bị hại, chị X không có quyền lợi gì trong vụ án. 3. Nếu người đó vừa là người có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ví dụ: Lê Văn H mượn xe máy của anh Z để đi cướp tài sản (anh Z không biết H mượn xe đi cướp tài sản), sau khi cướp xong Lê Văn H đã cho anh Z một chiếc đồng hồ (H nói là của H không dùng nên cho anh Z, nhưng thực tế đồng hồ này do H cướp được). Trong trường hợp này anh Z vừa là người có quyền lợi liên quan đến vụ án, đó là yêu cầu được nhận lại chiếc xe máy đã cho H mượn, nhưng ngoài ra anh Z vừa là người có nghĩa vụ phải trả lại tài sản là chiếc đồng hồ mà H đã cho anh Z. Do đó anh Z tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. 4. Cứ xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không cần tách bạch ra là họ là người có quyền lợi, hay là người có nghĩa vụ (đây là trường hợp khá phổ biến hiện nay). Quan điểm này cho rằng họ là người có quyền thì cũng phải có nghĩa vụ[4]. Ví dụ: A là người bị thiệt hại tài sản trong vụ án cố ý gây thương tích; do đó, A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, song song đó A phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình cho cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án còn có sự không thống nhất như đã trình bày ở trên là do nhà làm luật chưa làm rõ định nghĩa khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người như thế nào, dẫn đến mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hiểu không giống nhau. Việc xác định không chính xác tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong nhiều trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ cũng như thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Nhiều trường hợp đáng lẽ xác định họ là người làm chứng lại xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (xác định không chính xác tư cách tham gia tố tụng) hoặc ngược lại họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại xác định họ là người làm chứng, hoặc họ là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự lại xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Một số bản án hình sự cũng gặp nhiều trường hợp Hội đồng xét xử xác định có người tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án ở phần đầu của bản án, nhưng đến phần xét thấy của bản án, Hội đồng xét xử không phân tích đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong vụ án như thế nào? Trong phần quyết định của bản án cũng không đề cập đến hậu quả pháp lý của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trong phần kháng cáo thì họ được quyền kháng cáo bản án. Những bất cập đó làm cho bản án hình sự ban hành thiếu sự thống nhất, thiếu tính thuyết phục. Theo từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ “quyền lợi” được hiểu là “quyền được hưởng những lợi ích nào đó”[5] hoặc quyền lợi là “Lợi ích được hưởng, mà người khác không được xâm phạm đến..”[6]. Như vậy người có quyền lợi là người được hưởng những lợi ích nhất định nào đó, lợi ích ở đây có thể là vật chất hoặc tinh thần. Dưới góc độ pháp lý có thể hiểu người có quyền lợi liên quan đến vụ án là người có quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến vụ án và cơ quan tiến hành tố tụng đưa họ vào tham gia tố tụng để họ thực hiện quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình (quyền lợi ở đây là lợi ích về mặt vật chất). Còn nghĩa vụ được hiểu là “1. Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Lao động là nghĩa vụ của mỗi người. Nghĩa vụ công dân. Thóc nghĩa vụ (kng.; thóc nộp thuế nông nghiệp). 2. (kng.)./đn:bổn phận[7]. Hoặc nghĩa vụ được hiểu là “1. Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Lao động là nghĩa vụ của mỗi người. Nghĩa vụ công dân. Thóc nghĩa vụ (kng.; thóc nộp thuế nông nghiệp). 2. (kng.).Nghĩa vụ quân sự (nói tắt). Đi nghĩa vụ. Khám nghĩa vụ (khám sức khoẻ để thực hiện nghĩa vụ quân sự)”[8]. Như vậy, người có nghĩa vụ là người mà theo đạo đức hoặc pháp luật họ phải bắt buộc thực hiện một công việc, nghĩa vụ nào đó mà họ nếu từ chối sẽ bị xã hội lên án (dưới góc độ đạo đức) hay bị pháp luật cưỡng chế thực hiện…Dưới góc độ pháp lý, chúng ta có thể hiểu “nghĩa vụ” trong vụ án hình sự là một sự bắt buộc mà người đó phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ: Anh A nhận được tài sản do người khác phạm tội mà có, nhưng không biết đó là tài sản phạm tội mà có, nên có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đó cho người bị hại. Ở đây anh A không có quyền gì lợi gì cả, bởi lẽ tài sản đó không phải là tài sản anh A được sở hữu hợp pháp, đó đó anh A phải có nghĩa vụ tham gia tố tụng để trả lại tài sản đó cho người bị hại. Như vậy, quyền lợi và nghĩa vụ là hai khái niệm có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người có quyền lợi liên quan đến vụ án có thể từ bỏ quyền lợi của mình bằng cách không yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng buộc bị can, bị cáo hoặc người khác bồi thường thiệt hại về vật chất mà mình gánh chịu do hành vi của bị can, bị cáo gây ra. Còn người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì bắt buộc phải tham gia, bởi lẽ họ phải chịu trách nhiệm bồi thường hay trả lại tài sản mà mình được hưởng trái pháp luật hoặc phải chứng minh cho cơ quan tiến hành tố tụng về mối quan hệ giữa mình với bị can, bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, bị cáo…. Chính vì vậy, theo thiển ý của tác giả, nhà làm luật đã không dùng từ “và” ở giữa cụm từ “quyền lợi và nghĩa vụ” mà dùng dấu phẩy ở giữa hai cụm từ để phân biệt các khái niệm “quyền lợi” và “nghĩa vụ” bởi chúng có nội hàm khác nhau. Do đó, theo quan điểm của tác giả, nếu khi thụ lý vụ án hình sự, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, có sơ cở xác định chính xác họ là người có quyền lợi liên quan đến vụ án thì xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan đến vụ án, trường hợp nếu họ không có quyền lợi mà chỉ có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trường hợp có đủ cơ sở xác định họ là người vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Nghiên cứu Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không quy định nào cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được quyền dẫn giải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nếu họ đã được triệu tập hợp lệ nhưng cố tình không theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc họ không đến phiên toà trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến việc xác nhận sự thật khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại…Đây là bất cập của của pháp luật cần phải được bổ sung khi sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự 2003[9]. Với mong muốn hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, tác giả đề xuất khi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự cần: - Làm rõ định nghĩa về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. - Bổ sung vào khoản 2 Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự như sau: “2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải”. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các đồng nghiệp, bạn đọc.

Không có nhận xét nào: