Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Những vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự có đối tượng là người nước ngoài phạm tội



Ở Việt Nam, trong những năm gần đây tình hình tội phạm liên quan đến yếu tố nước ngoài ngày càng diễn biến phức tạp. Người nước ngoài
phạm tội ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ và thủ đoạn phạm tội đặc biệt là tội phạm về kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm về ma tuý.


Trong khi hệ thống pháp luật liên quan đến hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này còn thiếu và chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cụ thể:


1.Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 “ Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch”.Như vậy trong khi bắt, lấy lời khai, hỏi cung người nước ngoài phạm tội phải có phiên dịch và họ phải là người có kiến thức về pháp luật. Nhưng trên thực tế có trường hợp khi bắt quả tang hay bắt khẩn cấp các đối tượng người nước ngoài phạm tội nhưng không có phiên dịch đi cùng đã gây khó khăn trong việc lập biên bản cũng như lấy lời khai ban đầu làm căn cứ cho việc khởi tố, tạm giam sau này. Do không cùng ngôn ngữ nên việc đọc lệnh bắt, giải thích pháp luật cho người bị bắt chỉ mang tính hình thức vì người bị bắt không hiểu đựợc họ có quyền, nghĩa vụ gì khi tham gia tố tụng tại Việt Nam. Mặt khác, trên thực tế những người phiên dịch có kiến thức chuyên ngành về pháp luật còn ít, chưa có tổ chức phiên dịch chuyên trách và chưa có văn bản pháp luật quy định giao cho tổ chức, cơ quan nào làm đầu mối quản lý người phiên dịch cũng như quy định về dịch thuật để các cơ quan tiến hành tố tụng đăng ký mời phiên dịch mà thường cơ quan tố tụng tự liên hệ để mời và thường là phiên dịch viên của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phiên dịch viên của Bộ đội biên phòng.

2. Khi mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là người nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng của luật sư không đáp ứng được yêu cầu hoặc luật sư khi tiến hành các hoạt động theo luật định lại gặp khó khăn trong việc mời người phiên dịch mà Cơ quan điều tra đã trưng cầu.

3.Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/TTLT ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định “ Chưa điều tra , lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của người có hành vi phạm tội(tuổi, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo)” đựơc coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự và phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Song trên thực tế, việc xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự của đối tượng người nước ngoài phạm tội (đặc biệt là đối với công dân của những nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp) kết quả trả lời rất chậm thông thường phải mất từ 3 đến 7 tháng, nội dung trả lời chung chung chỉ đáp ứng về mặt thủ tục, ít có giá trị về nghiệp vụ làm cho quá trình điều tra vụ án kéo dài; có trường hợp phía bạn không trả lời nên vụ án có thể sẽ không kết thúc điều tra được vì chưa có lý lịch tư pháp của đối tượng.

4.Các vụ án liên quan đến người nước ngoài, đều có sự can thiệp về mặt lãnh sự của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước ngoài có đối tượng liên quan đến vụ án. Trong khi Việt Nam và nhiều nước chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc chưa có thoả thuận cụ thể về tương trợ pháp lý về hình sự như thông báo và thăm gặp lãnh sự đối với công dân nước họ vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam. Nhiều nước có quan hệ ngoại giao với nước ta nhưng quan điểm, đường lối xử lý giữa hai nước về mặt pháp luật chưa thống nhất chẳng hạn như việc một số nước không áp dụng hình phạt tử hình đối với công dân nước họ nên việc hợp tác tư pháp gặp khó khăn.

5.Nhiều vụ án, kết quả điều tra mới chỉ xử lý được các đối tượng phạm tội tại Việt Nam, các đối tượng cầm đầu đều ở nước ngoài không có điều kiện để điều tra xác minh gây khó khăn cho việc mở rộng điều tra vụ án dẫn đến xử lý vụ án không được triệt để do mối quan hệ giữa Văn phòng Interpol Việt Nam và hệ thống Interpol quốc tế còn hạn chế, do Cơ quan điều tra không có điều kiện xuất cảnh để xác minh mở rộng án.

Để có khung pháp lý giải quyết khi có người nước ngoài phạm tội nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hình sự có đối tượng là người nước ngoài phạm tội, cần sửa đổi khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 theo hướng: ngay sau khi quyết định khởi tố bị can đối với người nước ngoài phải tiến hành chỉ định luật sư; sửa đổi Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định cụ thể đối tượng, điều kiện của người phiên dịch.

Sửa đổi,bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước đã ký kết theo hướng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc xác minh lý lịch tư pháp của người nước ngoài; trong điều tra, bắt giữ, dẫn giải đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã; thu giữ, trao đổi tang vật chứng và các tài liệu có liên quan.

Tăng cường ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước mà Việt Nam chưa hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý để giải quyết triệt để đối với tất cả các đối tượng phạm tội đặc biệt là các đối tượng hoạt động phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam./.


Nguyễn Thị Lan

Không có nhận xét nào: