Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Một số ý kiến góp ý đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và tội gá bạc


 Tội đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong
BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội. Hiện nay, tội đánh bạc bị coi là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều tội phạm khác trong xã hội như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, cho vay lãi nặng… Hành vi đánh bạc đã bị hình sự hóa bởi pháp luật hình sự Việt Nam từ rất sớm khi Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 168-SL ngày 14/4/1948 nhằm mục đích chặn tay địch và những phần tử thuộc các giai cấp bóc lột lúc bấy giờ dùng cờ bạc vào những mục đích phá hoại, đầu độc, bóc lột nhân dân, làm cho một số người sao lãng nhiệm vụ cách mạng. Qua từng thời kỳ khác nhau, đường lối xử lý đối với người phạm tội đánh bạc đã nhiều lần thay đổi, nhưng các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc thì không thay đổi. Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985 quy định tại Điều 200 về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một điều luật. Sau đó, BLHS năm 1999 đã quy định theo hướng tách tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thành hai điều luật riêng biệt tại Điều 248 và Điều 249. Việc tách tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thành hai điều luật riêng là nhằm cá thể hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Do sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội nước ta nên ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009, trong đó đã sửa đổi, bổ sung tội đánh bạc. Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 248 BLHS chủ yếu là quy định về mức tiền đánh bạc, còn các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc được giữ nguyên. Điều 248 BLHS hiện hành quy định về tội đánh bạc như sau: “1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”. Như vậy, theo quy định của BLHS 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, tội đánh bạc có một số sửa đổi như thuật ngữ “đánh bạc” chuyển thành “đánh bạc trái phép”, nghĩa là điều chỉnh hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Đồng thời định lượng tối thiểu để xử lý hình sự được nâng lên hai triệu đồng và bỏ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã bị xử lý hành chính về tội đánh bạc mà còn vi phạm dưới hai triệu đồng, mà chỉ xử lý hình sự khi họ đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của BLHS chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Hiện nay, mặc dù BLHS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Nghị quyết số 01)hướng dẫn áp dụng quy định về tội đánh bạc tại Điều 248 của BLHS đã được ban hành, nhưng qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin có một số ý kiến góp ý đối với loại tội phạm này theo quy định của BLHS hiện hành. 1. Đối với việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS thì: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 quy định thì: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”. Như vậy, căn cứ vào hướng dẫn về việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 thì chỉ những tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc mà thu giữ được hoặc thu giữ ở từ các nguồn được viện dẫn thì mới dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Quan điểm của người viết cho rằng việc quy định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc chỉ bao gồm những tiền hoặc hiện vật thu giữ như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 là chưa phù hợp. Bởi các lý do sau: Thứ nhất, quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 đã bỏ sót những khoản tiền hoặc hiện vật được dùng để đánh bạc nhưng không bị thu giữ trong các vụ án đánh bạc mà nhiều người cùng đánh bạc với nhau nhưng sau đó vì một lý do nào đó có con bạc không tiếp tục tham gia đánh bạc mà bỏ về hoặc trường hợp con bạc bỏ trốn mang theo tiền, hiện vật khi bị cơ quan công an phát hiện; đồng thời, không thống nhất với qui định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01 có nội dung: “a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”. Thứ hai, quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 cũng có những bất cập khi vận dụng vào trường hợp đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, ghi số đề... Thực tế hiện nay không phải tất cả các trường hợp tham gia cá độ bóng đá, ghi số đề, các con bạc phải gặp trực tiếp và đưa tiền trước cho chủ đề, chủ cá độ, mà chỉ cần gọi điện thoại “bắt độ”, “ghi số” là được. Do vậy, thực tế khi giải quyết các vụ án loại này, các cơ quan tiến hành tố tụng thường căn cứ vào các “phơi đề”, sổ ghi “kèo cá độ” bị cơ quan chức năng thu giữ kết hợp với các tài liệu, chứng cứ khác để kết luận số tiền mà các con bạc, chủ đề, chủ cá độ bóng đá đã tham gia đánh bạc. Nếu chỉ căn cứ vào khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 để xác định số tiền được thu giữ được từ 03 nguồn trên làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thì sẽ khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi đánh bạc này. Từ những phân tích trên đây, người viết đề xuất bổ sung căn cứ xác định tiền hoặc hiện vật đánh bạc vào khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01 như sau: “d) tiền hoặc hiện vật khác mặc dù không bị thu giữ nhưng có căn cứ đã được hoặc sẽ được dùng vào việc đánh bạc”. 2. Đối với việc xác định người thực hiện hành vi đánh bạc phạm tội nhiều lần hay chỉ phạm tội một lần. Theo hướng dẫn tại Điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 thì một lần cá độ bóng đá được tính là cá độ trong một trận bóng đá. Tuy nhiên, trong thực tiễn một con bạc có thể cá độ với nhiều chủ cá độ khác nhau trong một trận đá bóng; hoặc một người có thể là chủ cá độ đối với một hoặc một số người khác, nhưng trong mối quan hệ khác thì họ có thể là con bạc của một chủ cá độ khác cũng trong cùng một trận bóng đá mà trước đó họ là chủ cá độ. Trong trường hợp những người này thực hiện hành vi cá độ với số tiền trên 2 triệu mỗi lần thì phải xác định những người này là một lần phạm tội hay nhiều lần phạm tội? Chẳng hạn, trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Argentina và Hà Lan tại giải bóng đá vô địch thế giới năm 2014, được phát trực tiếp vào lúc 03 giờ ngày 10/7/2014, A và B gặp C để đặt cược mỗi người 10 triệu đồng với kết quả cuối cùng là đội Hà Lan thắng. Sau đó, C đến quán nước của D xem đá bóng và cùng một số người khác “bắt độ” với D cũng trận đấu trên nhưng kết quả đội Argentina thắng chung cuộc. Số tiền mà C “bắt độ” với D là 20 triệu đồng. Như vậy trong trường hợp này C là chủ cá độ của A và B nhưng lại là con bạc của D trong cùng một trận bóng đá. Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 thì: “Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”. Nếu căn cứ hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 thì trong trường hợp này xác định C chỉ tham gia đánh bạc một lần. Một ví dụ khác, cũng trong trận bóng đá nói trên, đối tượng E và bạn bè đến quán nhậu của F (là chủ cá độ bóng đá). Tại đây E cùng các bạn của mình mỗi người “ghi độ” với F số tiền 3 triệu đồng, cược Hà Lan thắng. Sau khi nhậu xong, khi chưa đến giờ phát bóng đá, E đến quán cà phê của H (H cũng là chủ cá độ bóng đá) ngồi uống cà phê chờ xem bóng đá. Tại đây, E “ghi độ” với H 5 triệu đồng, cược Hà Lan thắng. Như vậy trong trường hợp này, mặc dù là cùng một trận đá bóng nhưng E đã cá độ hai lần ở tại hai địa điểm khác nhau. Mỗi lần cá độ số tiền đều trên 2 triệu. Nếu căn cứ hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 thì trong trường hợp này xác định E chỉ tham gia đánh bạc một lần. Tuy nhiên, nếu hai vụ việc trên được phát hiện ở hai thời điểm khác nhau (hoặc có thể hai địa bàn khác nhau) thì E bị khởi tố trong hai vụ án khác nhau. Như vậy, nếu căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01 thì sẽ khó khăn trong việc áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS; hoặc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 BLHS, được hướng dẫn tại các điểm c, d khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01 (“c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự; d) Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật hình sự”). Từ những bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, việc xác định “lần” đánh bạc trong cá độ bóng đá như hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 là chưa phù hợp. Do đó, cần sửa đổi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01 theo hướng: xác định “lần” đánh bạc trong cá độ bóng đá có thể được thực hiện làm nhiều đợt trong một trận bóng đá nhưng phải đối với cùng một đối tượng; nếu thực hiện hành vi cá độ trong một trận bóng đá làm nhiều đợt với nhiều đối tượng khác nhau thì phải xác định đó là “phạm tội nhiều lần”. 3. Đối với việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ, chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc. Theo quy định tại mục 5.1 và mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01 thì tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền họ tham gia đánh bạc cùng với số tiền mà người chơi đề, cá độ trúng thưởng, được xác định cụ thể như sau: “5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... như sau: 5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ. b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ. 5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người). b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.” Như vậy, theo hướng dẫn này thì việc xác định tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc còn phải dựa vào thời điểm hành vi đánh bạc bị phát hiện, ngăn chặn. Chẳng hạn D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng × 70 lần × 2 người) = 7.250.000 đồng, D sẽ phạm tội đánh bạc. Tuy nhiên, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng, D sẽ không phạm tội (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề). Cách tính số tiền đánh bạc theo quy định tại Nghị quyết 01/2010 không hợp lý, không đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi mà người đánh bạc đã thực hiện khi cùng là một hành vi như nhau nhưng việc xác định người thực hiện hành vi có phạm tội đánh bạc hay không lại phải dựa vào thời điểm phát hiện hành vi. Việc truy cứu TNHS người đánh bạc lại dựa vào thời điểm phát hiện tội phạm trong khi hành vi phạm tội đã hoàn thành từ thời điểm hai bên thỏa thuận xong số tiền đánh bạc và tỷ lệ thắng thua. Không thể nói rằng đến thời điểm có kết quả thắng thua thì hành vi của người đánh bạc sẽ nguy hiểm hơn trường hợp chưa có kết quả thắng thua. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả thì cần phải sửa đổi quy định mục 5.1 và mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01theo hướng bỏ quy định việc tính tiền đánh bạc dựa vào thời điểm phát hiện hành vi phạm tội mà chỉ cần dựa vào thời điểm hành vi phạm tội đã hoàn thành. Theo đó, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01 cần được sửa đổi như sau: “ 5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... như sau: a) Số tiền mà người chơi số đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ. b) Số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.” Với một số kiến nghị đã đề xuất, tác giả hy vọng sẽ góp phần vào việc hoàn thiện quy định pháp luật hình sự hiện hành về tội đánh bạc trong việc sửa đổi, bổ sung BLHS; sẽ giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội phạm này, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm này bằng các quy định của pháp luật hình sự. 

                                                                                                                             Trần Thị Thu Thủy

Không có nhận xét nào: