Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Một số ý kiến đối với quy định về các tội phạm mới trong Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)


 Ngày 13/7/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự
thảo Bộ luật hình sự sửa đổi (BLHS sửa đổi). Ngày 14/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1076/QĐ-TTg kèm theo Kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLHS sửa đổi. Theo kế hoạch của Chính phủ thì nhân dân sẽ đóng góp vào 8 vấn đề lớn còn có những ý kiến khác nhau của Dự thảo BLHS sửa đổi. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến đối với các tội phạm mới trong Dự thảo BLHS sửa đổi. I. Các tội phạm mới trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội, vì lợi ích của người lao động, của nhân dân và lợi ích của Nhà nước. Mặc dù đã có Luật bảo hiểm xã hội và luật này đã xác định các hành vi vi phạm, các chế tài xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra và phổ biến ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì số nợ Bảo hiểm xã hội không ngừng tăng qua từng năm. Năm 2007 số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 1.734 tỷ đồng thì năm 2014 số nợ này đã lên tới 7.200 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm 2007). Tính đến ngày 31/7/2015 thì tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trên 12.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ bảo hiểm xã hội là trên 8.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là 2.898.234 tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp là 533.382 tỷ đồng. Trong số trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì mới chỉ có 150.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, nghĩa là 50% số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho khoảng 5 triệu người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng chây ỳ trốn, chậm đóng bảo hiểm, gian lận trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong nhiều năm qua là mối quan ngại trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Việc xử lý các hành vi vi phạm bằng chế tài hành chính hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết về dân sự hiệu quả không cao. Từ năm 2010 đến 2014 Tòa án đã xét xử 1240 vụ kiện dân sự về lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhưng chỉ có khoảng 30% số bản án, quyết định được thi hành. Do đó, cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa; tính răn đe, phòng ngừa cao hơn để đảm bảo quyền an sinh xã hội của mọi người, tức là để bảo đảm thực thi quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Chính vì vậy, Dự thảo BLHS bổ sung một số tội về lĩnh vực bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu quy định về các tội phạm mới này, chúng tôi xin có một số ý kiến sau đây: 1. Điều 218. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm, bảo hiểm thất nghiệp lừa dối tổ chức bảo hiểm xã hội b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần số tiền chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ quyền hạn; d) Giá trị chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. - Đây là điều luật ghép của hai tội danh: gian lận bảo hiểm xã hội và gian lận bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội quan trọng hơn bảo hiểm thất nghiệp vì quan hệ này rộng lớn hơn, trực tiếp hơn đối với tất cả những người lao động. Khách thể của bảo hiểm xã hội có giá trị cao hơn khách thể của bảo hiểm thất nghiệp. Ý nghĩa xã hội, chính trị cũng cao hơn so với bảo hiểm thất nghiệp. Hành vi gian lận bảo hiểm xã hội nguy hiểm hơn hành vi xâm phạm bảo hiểm thất nghiệp. Hai tội danh này trong cùng một điều luật, cùng chế tài có thể không hợp lý. Do dó, chúng tôi cho rằng nên tách ra thành hai điều luật quy định hai tội riêng là tội gian lận bảo hiểm xã hội và tội gian lận bảo hiểm thất nghiệp, trong đó chế tài xử phạt đối với tội gian lận bảo hiểm thất nghiệp nên nhẹ hơn so với chế tài xử phạt tội gian lận bảo hiểm xã hội. Việc tách tội danh sẽ thuận lợi cho việc xử lý hành vi phạm tội và bảo đảm tính minh bạch của pháp luật. - Trong cấu thành cơ bản (khoản 1), số tiền bị chiếm đoạt phải từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng mới bị xử lý hình sự. Chúng tôi cho rằng quy định này không hợp lý vì thực chất các hành vi gian dối lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung của hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc tham ô (nếu đó là hành vi thông đồng của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan bảo hiểm). Trong khi đó, chiếm đoạt trong lừa đảo tài sản chỉ 2.000.000 đồng, trong tham ô cũng chỉ 2.000.000 đồng đã cấu thành tội phạm. Hành vi gian dối trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số tiền chiếm đoạt gấp 10 lần so với tội lừa đảo và tham ô rõ ràng là không phù hợp. Do vậy, dù có tính đến đặc thù của tội phạm này thì mức tiền bị chiếm đoạt cũng không thể quy định ở mức cao như vậy vì sẽ làm mất đi tính khả thi của việc thi hành trong thực tiễn. Mặt khác, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm thì số vụ gian lận bảo hiểm xã hội có số tiền bị chiếm đoạt tới 20 triệu đồng rất ít xảy ra và hầu như không có. Nếu luật quy định chiếm đoạt trên 20 triệu đồng sẽ không khả thi. - Điểm a khoản 1 của điều luật sử dụng từ “lừa dối tổ chức bảo hiểm xã hội”, điểm b khoản 1 sử dụng từ “lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội”. Vậy tổ chức bảo hiểm xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội có khác gì nhau không? Theo chúng tôi, cần dùng thống nhất là cơ quan bảo hiểm xã hội. - Điểm d khoản 2 điều luật này quy định “giá trị chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng trở lên”, giá trị chế độ bảo hiểm có khác gì quy định tại cấu thành cơ bản là chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng không? Thực chất giá trị chế độ bảo hiểm là số tiền thực tế bị chiếm đoạt. Sao không quy định rõ là “chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng trở lên”? - Khoản 3 của điều luật này quy định các hình phạt bổ sung, trong đó có hình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000. Chúng tôi cho rằng mức phạt tiền khởi điểm là quá thấp. Giả sử một người gian lận bảo hiểm xã hội 30.000.000 đồng, họ bị xử phạt 02 năm cải tạo không giam giữ. Nếu Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 5.000.000 đồng là không hợp lý so với số tiền mà họ chiếm đoạt. Chúng tôi cho rằng nên quy định cao hơn nếu như không giảm bớt số tiền bị chiếm đoạt quy định trong cấu thành cơ bản. - Có ý kiến cho rằng nên bỏ điểm đ khoản 2 “Tái phạm nguy hiểm” vì cho rằng sẽ không xử lý được người không tái phạm nguy hiểm hoặc không có tái phạm nguy hiểm trong tội phạm này. Chúng tôi cho rằng tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng chứ không phải là tình tiết định tội, không thể nhầm lẫn về tình tiết này. Mặt khác, tái phạm nguy hiểm vẫn có thể xảy ra khi các đối tượng tái phạm nguy hiểm móc nối với người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan bảo hiểm để thực hiện các hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 2. Điều 219. Tội gian lận bảo hiểm y tế Một là: Các vấn đề về số tiền bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản của điều luật; điểm đ khoản 2 “giá trị chế độ bảo hiểm y tế hưởng lợi từ 100.000.000 đồng trở lên” (thực tế là số tiền chiếm đoạt); khoản 3 về phạt tiền là hình phạt bổ sung, các ý kiến tương tự như đối với Điều 218. Tuy nhiên, hình phạt tiền là hình phạt chính trong khoản 1 và khoản 2 của Điều luật này cao hơn so với hành vi gian lận bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp (khoản 1: từ 02 lần đến 05 lần; khoản 2: từ 03 lần đến 07 lần số tiền chiếm đoạt). Trong khi đó hình phạt tù của 3 tội này như nhau, từ 01 năm đến 05 năm. Với quy định này có thể hiểu là chúng ta cho rằng gian lận bảo hiểm y tế nguy hiểm hơn gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Điều này là không đúng bởi việc đánh giá các giá trị của khách thể bị xâm hại của ba tội danh này chưa chính xác hoặc thấp hơn. Chúng tôi đề nghị không quy định mức phạt tiền cao hơn mà chỉ bằng mức phạt tiền của tội gian lận bảo hiểm xã hội, gian lận bảo hiểm thất nghiệp. Hai là: Trong thực tế, gian dối trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra rất nhiều nhưng số tiền bị chiếm đoạt của từng vụ không nhiều, chỉ một vài trăm ngàn, vài triệu đồng. Quy định như cấu thành cơ bản là không khả thi vì số tiền bị chiếm đoạt chưa cao, không xảy ra phổ biến trong thực tiễn. Chúng tôi đề nghị hạ thấp mức tiền trong cấu thành cơ bản và quy định nếu dưới mức tiền đó nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì cấu thành tội phạm. 3. Điều 220. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động Đây là một tội danh mới nhận được sự đồng tình cao của dư luận vì đó là cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi trốn tránh, chây ỳ không đóng bảo hiểm cho người lao động. Điều luật này sẽ có tác dụng rất tốt trong việc răn đe, phòng ngừa và xử lý cá nhân, pháp nhân vi phạm. Nó cũng giúp cho việc giải tỏa những vướng mắc trong xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với hành vi này. Chúng tôi thể hiện quan điểm đồng tình cao đối với quy định tội phạm hóa các hành vi trốn đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin có một số ý kiến như sau: Một là: Cấu thành cơ bản của điều luật quy định trốn đóng bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng (điểm a, khoản 1) chỉ phù hợp với các cơ quan doanh nghiệp lớn, vì số tiền đóng bảo hiểm xã hội là 8% tiền lương (thu nhập). Nếu người lao động trong doanh nghiệp có mức lương bình quân là 3 triệu đồng thì mỗi người phải đóng là 240.000 đồng/ tháng; nếu người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội 100.000.000 đồng/tháng tức là phải trốn đóng bảo hiểm của khoảng 400 người lao động. Các đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không thể có số lượng lao động và số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhiều như vậy. Do đó chúng tôi cho rằng cần cân nhắc lại quy định này để có thể xử lý đối với các cơ quan, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Hai là: điểm b khoản 1 quy định trốn đóng bảo hiểm cho từ 20 người đến dưới 50 người lao động, quy định này cũng không phù hợp với các đơn vị nhỏ dưới 20 người lao động. Ba là: Khoản 4 của điều luật quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đến 1.000.000.000 đồng là quá cao. Có thể đây là mức phạt tiền bổ sung cao nhất của BLHS đối với cá nhân. Điều luật không quy định riêng phạt tiền là hình phạt bổ sung với pháp nhân, có nghĩa là pháp nhân cũng chỉ bị phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng là không hợp lý. Có ý kiến cho rằng vì điều luật quy định phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt đó đã gấp nhiều lần so với cá nhân. Chúng tôi cho rằng phạt tiền là hình phạt chính đối với pháp nhân cũng như cá nhân phạm tội như quy định của điều luật là phù hợp. Khi Tòa án đã áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền nữa. Tuy nhiên, nếu Tòa án áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (điểm d khoản 6) thì không có nghĩa là Tòa án không có quyền áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Khi Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung thì cũng chỉ được phạt tối đa là 1 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần bổ sung vào khoản 6 của điều luật về hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội và mức phạt tiền phải cao hơn mức phạt tiền đối với cá nhân. Bốn là: Khoản 4 và 5 điều luật quy định “Trường hợp người phạm tội đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và đã khắc phục một phần thiệt hại xảy ra trước khi xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Thiệt hại xảy ra trong việc trốn đóng bảo hiểm là những thiệt hại nào? Các thiệt hại đó có thể là thiệt hại trực tiếp đối với người lao động như họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Khi người sử dụng lao động đã nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm thì người lao động được hưởng các chế độ mà họ được hưởng từ việc đóng bảo hiểm. Thiệt hại phi vật chất có thể là thiệt hại về chính trị, uy tín, đường lối, chính sách. Miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự trước khi xét xử đối với quy định ở khoản 5 là phù hợp nhưng có cần quy định việc khắc phục hậu quả không vì hậu quả vật chất có thể khắc phục còn hậu quả phi vật chất thì khó khắc phục toàn bộ. Mặt khác, quy định khắc phục một phần thiệt hại là như thế nào thì cũng nên quy định cụ thể. Năm là: Nhìn chung hình phạt của các tội về bảo hiểm rất thấp so với các tội chiếm đoạt khác; mức hình phạt tù cao nhất chỉ là 05 năm là không hợp lý. Cần nghiên cứu để thiết kế các tội này thành 4 khung hình phạt, trong đó có 1 khung cấu thành cơ bản, 2 khung tăng nặng và 1 khung về hình phạt bổ sung. Theo đó, các chế tài hình phạt phải cao hơn vì xét về bản chất thì các tội phạm này là lừa đảo, tham ô; mức hình phạt phải nghiêm khắc hơn để bảo đảm sự thống nhất trong BLHS. Sáu là: Các hành vi lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung của hồ sơ nhằm lừa dối, chiếm đoạt tiền bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội thực chất đó là sự móc nối của cán bộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước và đó là dấu hiệu của tội tham ô. Vậy phân biệt thế nào giữa tội gian lận bảo hiểm với tội tham ô? 4. Về hành vi chiếm dụng trái phép tiền bảo hiểm Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động thu các khoản tiền này nhưng không nộp mà sử dụng vào mục đích khác tức là chiếm dụng tiền bảo hiểm trái phép. Theo quy định tại Điều 220 thì phải 6 tháng không nộp bảo hiểm mới cấu thành tội (6 tháng liên tục hay tổng cộng là 6 tháng cũng cần quy định rõ). Nếu người sử dụng lao động thu tiền bảo hiểm của người lao động hàng tháng và sử dụng trái phép số tiền này đến tháng thứ 6 mới nộp thì họ không bị xử lý. Rõ ràng đây là một kẽ hở của pháp luật. Do đó, chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu quy định thêm một số tội danh nữa là tội chiếm dụng trái phép tiền bảo hiểm để phòng ngừa và xử lý các hành vi có thể xảy ra. Cũng có ý kiến cho rằng hành vi chiếm dụng tiền bảo hiểm thực chất là hành vi chiếm đoạt tài sản (tham ô hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản) hoặc sử dụng trái phép tài sản của người lao động. Do vậy có thể vận dụng các tội danh này để xử lý. Mặt khác, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là nhằm chiếm dụng tiền bảo hiểm nên vận dụng tội trốn đóng bảo hiểm để xử lý mà không cần thiết bổ sung tội danh chiếm dụng tiền bảo hiểm. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này vì: Một là: Chiếm dụng và chiếm đoạt hoàn toàn khác nhau về bản chất, sử dụng trái phép tài sản của người khác cũng không đồng nghĩa với chiếm dụng trái phép tài sản của người khác. Không thể đồng nhất những khái niệm này để vận dụng xử lý người chiếm dụng trái phép tiền bảo hiểm về tội tham ô lạm dụng tín nhiệm hoặc sử dụng trái phép tài sản. Hai là: Đúng là có thể trốn đóng bảo hiểm nhằm chiếm dụng, sử dụng tiền bảo hiểm vào mục đích khác; nhưng cũng có thể trốn đóng bảo hiểm vì do thua lỗ không còn khả năng trả lương, nộp bảo hiểm. Vì thế, trốn đóng bảo hiểm cũng không đồng nghĩa với chiếm dụng trái phép tiền bảo hiểm. Hành vi chiếm dụng trái phép tiền bảo hiểm chỉ xảy ra khi người sử dụng lao động đã thu được tiền bảo hiểm của người lao động, nhưng sử dụng tiền đó vào mục đích khác như đưa vào kinh doanh, cho vay lãi… mà không chịu đóng tiền đó cho cơ quan bảo hiểm. 5. Điều 217. Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm Kinh doanh bảo hiểm thực chất là các giao dịch dân sự trên cơ sở tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm và tổ chức bảo hiểm. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa… là bảo hiểm về trách nhiệm dân sự. Tổ chức bảo hiểm có lãi hay thua lỗ hoàn toàn phụ thuộc vào việc quản lý của mình và sự may rủi trong kinh doanh. Quản lý lỏng lẻo dẫn đến các nhân viên của các tổ chức này móc nối với người tham gia bảo hiểm để làm giả, làm sai lệch nội dung thiệt hại thực tế, khai khống, khai tăng… để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Hậu quả là các tổ chức kinh doanh bảo hiểm bị thua lỗ. Theo BLHS hiện hành thì các hành vi gian đối nêu trên (hay đó là dấu hiệu cấu thành tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm của dự thảo BLHS) đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Điều 365 khái niệm tội phạm về chức vụ và Điều 366 tội tham ô tài sản của dự thảo BLHS thì đó là hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư. Như vậy, các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm dân sự (kinh doanh bảo hiểm) có thể được xử lý bằng hình sự về các tội danh tương ứng. Mặt khác, nếu đó là các vi phạm nhỏ thì đã có chế tài hành chính và cao hơn là giải quyết bằng việc khởi kiện tại Tòa án. Hình sự hóa quan hệ dân sự là việc không thể làm trong BLHS. Do đó, chúng tôi không đồng tình với quy định của Điều 217 dự thảo BLHS về tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm. II. Các tội danh mới trong Chương XX các tội phạm về ma túy Trong dự thảo BLHS sửa đổi quy định 4 tội danh mới bổ sung trong Chương XX các tội phạm về ma túy của dự thảo BLHS; cụ thể là: tội tàng trữ trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây giống các loại, các cây khác có chứa chất ma túy (Điều 245); tội vận chuyển trái phép cây giống, cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 246); tội mua bán trái phép cây giống cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247); tội chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 248). Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải quy định thêm 4 tội danh này vì các lý do sau đây: Một là: BLHS hiện hành đã quy định tại Điều 192 tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa ma túy. Dự thảo BLHS sửa đổi cụ thể hơn tại Điều 244 tội trồng trái phép cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Trong thực tiễn, Tòa án chưa xét xử vụ án nào về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy mặc dù trong thực tế cũng vẫn xảy ra các hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma túy. Hai là: Các Điều luật bổ sung về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa, hoặc các loại cây giống, các loại cây có chứa chất ma túy. Thế nào là cây giống cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Có thể hiểu đơn giản cây giống là cây được gieo trồng, ươm để đem trồng. Nhưng thời gian sinh trưởng của nó là bao nhiêu lâu thì được coi là cây giống thì cũng không rõ ràng. Mặt khác, việc gieo trồng, ươm cây giống thực chất là một quá trình của trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy. Vì vậy không cần thiết phải tách bạch việc gieo trồng cây giống với việc “Gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa…” như mô tả tại cấu thành cơ bản của tội trồng trái phép cây thuốc phiện, cây cô ca… ( Điều 244 dự thảo BLHS). Ba là: Các hành vi tàng trữ trái phép giống cây có chứa chất ma túy cũng ít xảy ra vì khó tàng trữ được. Cây giống khi thu hoạch là phải trồng ngay, không để lâu được vì sẽ chết hoặc ảnh hưởng lớn đến việc trồng. Hành vi vận chuyển giống cây có chứa chất ma túy có thể xảy ra cũng có thể vận chuyển để trồng hoặc vận chuyển để mua bán, nhưng cũng có thể là vận chuyển thuê. Thực tế thì nếu vận chuyển để trồng thì chỉ xử lý về tội trồng trái phép cây có chứa chất ma túy, nếu vận chuyển để bán thì xử lý về tội mua bán trái phép giống cây có chứa chất ma túy (tương tự như việc xử lý đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy). Bốn là: Hành vi chiếm đoạt giống cây có chứa chất ma túy có thể có nhưng rất ít xảy ra trong thực tiễn. Với các lập luận trên, chúng tôi cho rằng không cần thiết phải quy định bổ sung 4 tội danh về cây giống cây có chứa chất ma túy. Mặt khác việc sửa Điều 192 BLHS hiện hành về tội trồng cây thuốc phiện là không cần thiết. Điều luật không cần thiết phải mô tả là “người nào gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy…”. Nếu mô tả quá tỷ mỉ sẽ vướng với các trường hợp không gieo trồng mà xin hoặc mua cây giống về trồng, vướng trường hợp không chăm bón, vướng trường hợp phải thu hoạch tức là chỉ có tội khi người đó thực hiện đầy đủ quá trình trồng cây có chứa chất ma túy. Mặt khác, khi đổi tên điều luật, bổ sung các cây cô ca, cây cần sa vào thì cấu thành cơ bản của điều luật lại nhắc lại là không cần thiết. Theo chúng tôi nên giữ nguyên như tên của Điều luật tại Điều 192 BLHS hiện hành và mô tả như cấu thành cơ bản của Điều luật này. Định lượng về số cây có chứa chất ma túy từ 500 cây đến 3.000 cây cũng là quá cao. Dưới 3.000 cây sẽ bị xử lý hình sự nếu đã được giáo dục 2 lần trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích. Vì vậy cần cân nhắc về cơ sở quy định định lượng trong tội danh này. III. Một số tội phạm mới bổ sung khác. 1. Về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng Internet Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, viễn thông, Internet. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ tin học cũng kéo theo sự lợi dụng các thành tựu khoa học đó để phạm tội. BLHS hiện hành đã có những quy định tại các Điều 224, 225, 226a, 226b để xử lý đối với các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, Internet. Tuy nhiên, thực tiễn đã xảy ra rất nhiều hành vi khác trong lĩnh vực này nhưng chưa được quy định là tội phạm trong BLHS. Vì vậy, chúng tôi đồng tình với việc bổ sung các tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 294) tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản (Điều 300); tội cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia (Điều 301); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 302); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 303); tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa về tài khoản ngân hàng (Điều 304); tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả về thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 305); tội thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính (Điều 306). Có thể nói việc bổ sung các tội danh nêu trên và thiết kế các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng Internet thành mục B trong Chương XXI Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là một tiến bộ mới trong kỹ thuật lập pháp, đồng thời cũng thể hiện rõ ràng hơn về chính sách hình sự của Nhà nước đối với các tội phạm trong lĩnh vực này và đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm rất nguy hiểm này. 2. Điều 270. Tội rải đinh vật sắc luật này quy định: “1. Người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. a. Phạm tội từ 02 lần trở lên; b. Trên các tuyến đường cao tốc; c. Trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; d. Làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; b. Tái phạm nguy hiểm; 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”. Hành vi rải đinh, đặt vật sắc nhọn trên đường giao thông đã xảy ra trên các tuyến đường bộ trong cả nước. Đây là một hành vi rất nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này nếu chỉ xử lý bằng hành chính sẽ không tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung cũng như giáo dục riêng đối với người vi phạm. Vì vậy, chúng tôi đồng tình với việc bổ sung tội phạm này trong BLHS, nhưng có một số ý kiến như sau: Một là: Tên của tội danh không phù hợp với mô tả hành vi khách quan trong cấu thành cơ bản của tội phạm vì không chỉ có hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ mà còn có cả hành vi đặt vật sắc nhọn trên đường bộ. Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa tội danh là tội đặt rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ. Hai là: Trong thực tiễn, những người thực hiện hành vi rải đinh, đặt vật sắc nhọn trên đường bộ có thể nói hầu hết là người hành nghề bơm vá lốp xe. Hành vi của họ nhằm làm cho lốp xe bị thủng và họ có cơ hội để kiếm tiền. Hành vi đó là cố ý nhưng họ không quan tâm đến hậu quả do hành vi của mình gây ra, tức là vô ý về hậu quả. Mức hình phạt tiền trong điều luật đối với các đối tượng này thấp nhất là 30.000.000 đồng và cao nhất là 500.000.000 đồng là không phù hợp và không có tính khả thi. Do vậy, chúng tôi đề nghị cân nhắc về mức phạt tiền thấp nhất là 10.000.000 đồng và cao nhất là 100.000.000 đồng. 3. Điều 404. Tội không tôn trọng Tòa án Chúng tôi đồng tình với việc bổ sung tội phạm này trong BLHS nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi chửi bới, đe dọa, lăng mạ, xúc phạm nghiêm trọng Tòa án; thậm chí đã có không ít trường hợp còn hành hung Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án tại trụ sở Tòa án. Những hành vi gây rối đó chỉ bị xử phạt hành chính theo luật xử lý vi phạm hành chính là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung và giáo dục riêng. Tuy nhiên, chúng tôi xin góp một số ý kiến về Điều luật này như sau: Một là: Theo quy định của điều luật thì tội phạm này chỉ bị xử lý khi người phạm tội thực hiện các hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xét xử. Tức là các hành vi trên phải được thực hiện tại phiên tòa thì mới có tội. Quy định này là không phù hợp vì ngoài việc mở các phiên tòa xét xử, Tòa án còn mở các phiên họp để giải quyết các việc dân sự. Vậy trường hợp người thực hiện các hành vi đó tại các phiên họp thì sẽ không phạm tội này mà có thể lại phạm tội gây rối trật tự công cộng hoặc chỉ bị xử lý hành chính. Do đó, chúng tôi cho rằng hành vi thóa mạ tức là xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng phải bị xử lý không chỉ ở phiên tòa mà còn ở phiên họp hoặc trong quá trình Tòa án tiến hành tố tụng tại trụ sở Tòa án hay ở ngoài trụ sở. Hai là: Những hành vi đánh nhau tại phiên tòa, phiên họp hay tại buổi làm việc của Tòa án cũng là không tôn trọng Tòa án. Khi có hành vi này thì chỉ bị xử lý hành chính theo luật xử lý vi phạm hành chính là không thỏa đáng vì việc gây rối loạn tại Tòa án có thể phải dừng phiên tòa, phiên họp mặc dù các hành vi đó không trực tiếp xúc phạm Tòa án nhưng rõ ràng là không tôn trọng Tòa án. Ba là: Khi sử dụng thuật ngữ “tại phòng xét xử” thì chỉ đúng với các trường hợp Tòa án xét xử tại trụ sở hoặc tại nơi có phòng xét xử. Thực tế, Tòa án xét xử lưu động thì không có phòng xét xử. Do đó, cần cân nhắc và nên sửa là tại nơi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Bốn là: Đề nghị bổ sung thêm tình tiết tăng nặng tại khoản 2 của Điều này là: “Hành hung thành viên Hội đồng xét xử hoặc người tiến hành tố tụng khác nhằm bảo vệ Hội đồng xét xử và người tiến hành tố tụng”. 
                                                                                                                              Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: