Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Tội trộm cắp tài sản - một số bất cập, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện


 Các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng (TCTS) là tội chiếm số lượng lớn trong số các tội mà các Tòa án giải
quyết hàng năm và hầu như trải đều ở mọi địa phương. Với tính phổ biến của tội này nên yêu cầu đấu tranh, phòng chống đặt ra đối với loại tội phạm này là cần thiết. Chính vì vậy, liên ngành các cơ quan Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 (Thông tư liên tịch số 02) về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của bộ luật hình sự năm 1999. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số hướng dẫn đối với tội trộm cắp tài sản tại Thông tư nêu trên và những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. 1. Việc áp dụng hướng dẫn tình tiết “hành hung để tẩu thoát” và chuyển hóa từ tội TCTS sang tội cướp tài sản Theo quy định tại mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 thì: “6. Khi áp dụng tình tiết "hành hung để tẩu thoát" (điểm đ khoản 2 Điều 136; điểm a khoản 2 Điều 137; điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS) cần chú ý: 6.1. Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát. 6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”. Quy định này nhằm xử lý hành vi của người phạm tội cố ý giữ tài sản chiếm đoạt mặc dù đã bị phát hiện và giữ lại tài sản. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này có một số vướng mắc như sau: Một là, trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản thì khoảng thời gian từ khi chiếm đoạt được đến khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại là bao lâu? Trường hợp người phạm tội đã bỏ đi vài giờ thì mới bị phát hiện, có được xem xét, áp dụng tính tiết này không? Chúng tôi cho rằng, chỉ áp dụng các quy định tại mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 khi thời gian từ khi chiếm đoạt được đến khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại không được kéo dài, bởi vì khi đó, tội phạm đã hoàn thành và hành vi chống trả của người phạm tội đối với việc bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại không còn ý nghĩa. Do đó, đề xuất một trong hai cách sau: (1) thay cụm từ “đã chiếm đoạt được tài sản” bằng cụm từ “ngay sau khi chiếm đoạt tài sản” hoặc là (2) bỏ hẳn cụm từ “đã chiếm đoạt được tài sản” để tránh gây khó khăn trong việc áp dụng. Hai là, quy định tại tiểu mục 6.2 mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 gây khó hiểu bởi vì sau khi chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội bị giành lại tài sản thì trong trường hợp này người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm “giữ cho được tài sản chiếm đoạt được và tẩu thoát” chứ không phải “chiếm đoạt cho được tài sản” vì hành vi chiếm đoạt đã thực hiện xong. Hơn nữa, việc sử dụng thuật ngữ “tiếp tục” dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng chưa phù hợp bởi vì trong tội TCTS thì người phạm tội không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nên việc người phạm tội bị bắt giữ mà dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chỉ mới lần đầu chứ không phải lần thứ hai. Ba là, quy định của tiểu mục 6.1 và tiểu mục 6.2 mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 gây khó khăn cho việc vận dụng. Chúng ta thấy rằng, việc chia mục 6 thành tiểu mục 6.1 và tiểu mục 6.2 thực chất là để phân biệt trường hợp người phạm tội vì sợ bị bắt giữ nên “bỏ của chạy lấy người” với trường hợp người phạm tội ngoan cố, cố tình chống trả nhằm giữ cho được tài sản mà minh chiếm đoạt được. Thực tiễn chỉ ra rằng, cả trường hợp tẩu thoát và cố giữ tài sản để tẩu thoát thì người phạm tội có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Cho nên, việc quy định có những hành vi chống trả… như đánh, chém, bắn, xô ngã... (tiểu mục 6.1) và dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc (tiểu mục 6.2) thực chất đều là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Để khắc phục các vướng mắc bên trên, kiến nghị sửa đổi, bổ sung mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 như sau: “6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây nhằm tẩu thoát. 6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm giữ cho được tài sản chiếm đoạt được và tẩu thoát thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”. Hoặc bỏ hẳn cụm từ “hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản” trong 02 tiểu mục này. 2. Đối với hướng dẫn tình tiết gây hậu nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng Mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn như sau, trong trường hợp tài sản bị lén lút chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS, nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này chưa phù hợp bởi lẽ, tiểu mục 3.4 mục 3 Phần I Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn các trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 (trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới mức định lượng) và điểm g khoản 2 Điều 138; “gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 138 và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 138. Theo đó, mức độ hậu quả cho hành vi phạm tội tăng lên rất đáng kể theo mức độ là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”. Chẳng hạn, nếu lấy thiệt hại về tính mạng thì thiệt hại lần lượt là làm chết 01 người, làm chết 02 người và làm chết 03 người trở lên. Tuy nhiên, các mức thiệt hại đều được đánh đồng bằng nhau khi tài sản chiếm đoạt dưới mức định lượng. Để khắc phục hạn chế này, chúng tôi kiến nghị bỏ hướng dẫn tại mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02 và bổ sung vào khoản 3 Điều 138 điểm c có nội dung như sau: “c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và bổ sung vào khoản 2 Điều 138 điểm c có nội dung như sau: “c) Chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới năm mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Tóm lại, với tính phổ biến của tội TCTS thì hành vi phạm tội sẽ diễn ra muôn hình, muôn vẻ nên nhiều trường hợp có những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong thực tế. Rất mong bạn đọc trao đổi, góp ý đối với ý kiến của tác giả.

Không có nhận xét nào: