Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Trao đổi về bài viết: “Một số vướng mắc trong việc xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”



Ngày 12/03/2014, tác giả Mai Văn Triến có bài viết “Một số vướng mắc trong việc xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính” đăng trên
cổng thông tin điện tử của TANDTC. Trước tiên, để độc giả tiện theo dõi, tôi xin trích lại nội dung ví dụ của tác giả: “Tháng 12 năm 2006, bà Nguyễn Thị A có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND thị xã TN, tỉnh TN đề nghị ông Trần Văn B trả lại phần đất nông nghiệp có diện tích 1.000 m2 tại thị xã TN do ông B đang chiếm giữ của bà. Ngày 11/01/2007, Chủ tịch UBND thị xã TN, tỉnh TN ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị A với ông Trần Văn B với nội dung: Chấp nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị A; buộc ông Trần Văn B phải trả lại phần đất nông nghiệp đang tranh chấp cho bà Nguyễn Thị A. Do ông Trần Văn B khiếu nại, ngày 01/12/2008, Chủ tịch UBND tỉnh TN ban hành Quyết định số 2764/QĐ-UBND quyết định: thu hồi Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã TN, tỉnh TN; giữ nguyên hiện trạng phần đất đang tranh chấp cho ông B quản lý sử dụng. Sau khi có khiếu nại của bà Tam, ngày 02/12/2010, Chủ tịch UBND tỉnh TN ban hành Quyết định số 2246/QĐ-UBND với nội dung: thu hồi Quyết định số 2764/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh TN về việc thu hồi Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã TN; giữ nguyên Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã TN về việc giải quyết đơn khiếu nại giữa bà Nguyễn Thị A với ông Trần Văn B, buộc ông B phải trả lại phần đất tranh chấp cho bà A. Trên cơ sở phúc tra của Thanh tra tỉnh TN, ngày 06/01/2014, Chủ tịch UBND tỉnh TN ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND với nội dung: công nhận khiếu nại của ông Trần Văn B là đúng, hủy bỏ Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 02/12/2010 và Quyết định số 2764/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh TN vì các quyết định này không đúng theo qui định của pháp luật về đất đai và Luật khiếu nại, tố cáo; giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B. Do không đồng ý với Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN, ngày 13/02/2014, bà Nguyễn Thị A có đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN”. Vậy, quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN (quyết định số 29/QĐ-UBND) có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không? Tác giả bài viết đưa ra hai quan điểm: “Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN là quyết định giải quyết khiếu nại mang tính chỉ đạo, nội dung không quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể nên không được xem là đối tượng khởi kiện để thụ lý vụ án hành chính. Do đó, Tòa án phải căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 109 Luật tố tụng hành chính để ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho bà Nguyễn Thị A. Quan điểm thứ hai cho rằng: Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung hủy bỏ toàn bộ hai quyết định (Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 02/12/2010 và Quyết định số 2764/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh TN) được hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số qui định của Luật tố tụng hành chính nên phải được xem là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, Tòa án phải ban hành thông báo yêu cầu bà Nguyễn Thị A nộp tiền tạm ứng án phí sau đó tiến hành thụ lý vụ án hành chính.” Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau: Xuất phát từ khiếu nại của bà A, Chủ tịch UBND thị xã TN đã ban hành quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 (QĐ số 16/QĐ-UBND) để giải quyết khiếu nại (lần 1). Qua quá trình giải quyết khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh TN ban hành các Quyết định số 2764/QĐ-UBND, 2246/QĐ-UBND và Quyết định số 29/QĐ-UBND để giải quyết khiếu nại. Quyết định số 29/QĐ-UBND ban hành sau cùng hủy, Quyết định số 2764/QĐ-UBND và Quyết định số 2246/QĐ-UBND. Từ những thông tin trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thống nhất rằng Quyết định số 29/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh TN là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Xem xét tổng thể QĐ số 29/QĐ-UBND, chúng ta thấy có 3 nội dung cụ thể: - Công nhận khiếu nại của ông Trần Văn B là đúng. - Hủy bỏ Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 02/12/2010 và Quyết định số 2764/QĐ-UBND ngày 01/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh TN; - Giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã TN, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B. Theo tôi, Quyết định số 29/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh TN là quyết định hành chính mang tính cá biệt vì: như đã trình bày ở trên, Quyết định số 29/QĐ-UBND là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; chủ thể ra quyết định là Chủ tịch UBND tỉnh TN, giải quyết đối với khiếu nại của ông B, với nội dung công nhận khiếu nại của ông B là đúng.. các yếu tố này đã làm thỏa mãn các đặc điểm của một quyết định hành chính cá biệt. Việc công nhận khiếu nại của ông B đồng nghĩa với không công nhận khiếu nại của bà A và khẳng định ông B sử dụng đất là đúng, bà A đòi đất là sai. Điều này được củng cố bởi nội dung khác của quyết định là “giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã TN, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B”. Như vậy trong hai nội dung của Quyết định số 29/QĐ-UBND đều đề cập đến công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông B. Vậy lợi ích của ông B có ảnh hưởng đến quyền lợi của bà A không? Nhìn lại quá trình giải quyết khiếu nại thì thấy rằng bà A khiếu nại vì ông B đã sử dụng đất 1000 m2 đất nông nghiệp trái phép mà bà cho rằng bà có quyền sử dụng hợp pháp, bà thấy quyền lợi đang bị xâm phạm nên bà khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thế nên có thể khẳng định rằng việc Chủ tịch UBND tỉnh TN ra Quyết định số 29 làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp mà bà đang đòi bảo vệ. Quyết định số 29 này cũng thỏa mãn quy định hướng dẫn tại khoản 1 điều 1 của Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Về nội dung khác của quyết định số 29/QĐ-UBND là: “giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B”. Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành thì quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có nội dung: “Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. (điểm h, khoản 2, Điều 40 Luật KN năm 2011). Đối chiếu với ví dụ trên thì việc Chủ tịch UBND tỉnh TN kết luận là “giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B” là một trong những nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo đúng quy định của pháp luật khiếu nại. Do đó, đây là quyết định hành chính cá biệt, giải quyết một vấn đề cụ thể cho các đối tượng cụ thể và được áp dụng một lần. Nếu như trong Quyết định số 16/QĐ-UBND có nội dung: “Chấp nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị A; buộc ông Trần Văn B phải trả lại phần đất nông nghiệp đang tranh chấp cho bà Nguyễn Thị A.” thì tại Quyết định số 29/QĐ-UBND có nội dung: “công nhận khiếu nại của ông Trần Văn B là đúng... giao UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh, công nhận diện tích đất tranh chấp cho ông Trần Văn B”. Như vậy, nội dung “Công nhận khiếu nại của ông B là đúng” thể hiện tại Quyết định số 29/QĐ-UBND là nội dung mới và trái ngược hoàn toàn so với nội dung Quyết định số 16/QĐ-UBND; đồng thời, tại Quyết định số 29/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh TN đã giao cho UBND thị xã TN ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND. Do đó, Quyết định số 29/QĐ-UBND cũng là đối tượng khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, phù hợp với hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ban hành ngày 29/07/2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này.” Vấn đề đặt ra là bà A có phải chờ sau khi chủ tịch UBND thị xã TN ra quyết định hủy bỏ Quyết định số 16/QĐ-UBND thì bà mới có quyền khởi kiện hay là ngay khi Chủ tịch UBND tỉnh TN ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND thì bà A đã có quyền khởi kiện? Theo quan điểm cá nhân tôi thì bà A có quyền khởi kiện Quyết định số 29/QĐ-UBND vì theo quy định của Luật khiếu nại thì trong nội dung giải quyết khiếu nại lần hai đã quy định bà A có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 06/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh TN là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Tố tụng hành chính. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật. Trên đây là một số ý kiến trao đổi, rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đọc. 
                                                                                                                              Đặng Thị Ngọc Uyên

Không có nhận xét nào: