Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN TRONG DỰ THẢO BLHS ( SỬA ĐỔI)



Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS hiện hành. Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 02
triệu đồngđến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồngnhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…

Qua thực tiễn áp dụng BLHS để xử lý các hành vi trộm cắp tài sản trong thời gian qua cho thấy: Tội trộm cắp tài sản là loại tội phạm xảy ra khá phổ biến trên hầu hết các địa phương, chiếm tỷ lệ cao so với các loại tội phạm khác. Quy định tại Điều 138 BLHS hiện hành đã và đang phát huy vai trò, tác dụng tích cực là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung; tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng. Việc áp dụng quy định này của các cơ quan tố tụng nhìn chung chưa có nhiều khó khăn, vướng mắc; ngoại trừ một số trường hợp như phạm tội liên tục, kéo dài; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng...
Qua nghiên cứu Điều 172 Dự thảo BLHS ( sửa đổi) quy định về tội trộm cắp tài sản, về cơ bản Dự thảo BLHS ( sửa đổi) giữ nguyên quy định đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng, Dự thảo BLHS ( sửa đổi) bên cạnh việc bổ sung một số yếu tố cấu thành tội phạm mới, đã thu hẹp phạm vi áp dụng. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 172 Dự thảo BLHS ( sửa đổi):
“ 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hành vi này chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” ...
Chúng tôi thấy rằng, tại khoản 1 Điều 172 Dự thảo BLHS ( sửa đổi) giữ nguyên quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” và đổi mới kỹ thuật lập pháp bằng việc quy định thành các trường hợp a, b, c là phù hợp.
Tuy nhiên, tại các điểm b, c khoản 1 Điều 172 quy định đối với trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng mà “ Đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hành vi này chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm”, và “Đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới phạm tội này rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và khó khăn cho các cơ quan tố tụng.
Bởi lẽ: Khoản 1 Điều 138 BLHS hiện hành quy định người nào trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồngnhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì đã phạm tội này. Theo đó:
1. Tuy tài sản trộm cắp dưới 02 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt…mà còn vi phạm, thì phạm tội này. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính “ Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”, bao gồm Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất ( Theo khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Còn “ Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Như vậy, khái niệm xử phạt hành chính rộng hơn so với xử lý hành chính. Do đó, việc Dự thảo BLHS ( sửa đổi) quy định Đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính ... mà còn vi phạm mới là tội phạm, thì rất khó xử lý được những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng. Thêm nữa, Điều 138 BLHS hiện hành quy định đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, bao gồm các hành vi như trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản...nhưng Dự thảo BLHS ( sửa đổi) lại quy định đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hành vi này, tức chỉ về hành vi trộm cắp tài sản, thì lại càng khó khăn hơn trong việc xử lý hình sự những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng.
2. Tuy tài sản trộm cắp dưới 02 triệu đồng nhưng trước đó đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì phạm tội trộm cắp tài sản. Cũng tương tự như trên, theo BLHS hiện hành tội phạm bị kết án ở đây là tội phạm chiếm đoạt tài sản, như tội trộm cắp tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản tài sản...Tuy nhiên, Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định Đã bị kết án về tội này..., tức là đã thu hẹp yếu tố cấu thành tội phạm so với BLHS hiện hành. Theo đó, chỉ những người nàotrộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội trộm cắp chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị xử lý hình sự.
Chúng tôi thấy rằng, Điều 172 Dự thảo BLHS ( sửa đổi) quy định như vậy dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và khó khăn cho các cơ quan tố tụng; đồng thời không phát huy vai trò, tác dụng tích cực là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung; tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa đổi điểm c,d khoản 1 Điều 172 như sau:
“ 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” ...
HỒ NGỌC THẢO

Không có nhận xét nào: