Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Phạm nhân nữ phải tránh thai khi gặp chồng: Tránh cách gì?


Trong khi nhiều trường hợp tù nhân lợi dụng mang thai để tránh án, việc đưa ra dự thảo phạm nhân được gặp chồng thể hiện tính nhân đạo.




Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân…


Theo đó, tại điều 5, chương 2 có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. Vấn đề trên lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vụ việc nữ tù nhân lợi dụng việc có thai để tránh án.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Dự thảo mới của Bộ Công an tiếp tục thể hiện những ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Dự thảo được đưa ra trong bối cảnh nhiều trường hợp phạm nhân nữ lợi dụng việc mang thai để tránh án.

Pham nhan nu phai tranh thai khi gap chong: Tranh cach gi?
Các LS cho rằng quy định phạm nhân nữ được gặp chồng nhưng phải tránh mang dù mang ý nghĩa nhân văn nhưng còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Ảnh: TTO
Lý giải về điều này, Luật sư Út cho rằng: “Việt Nam ký kết các công ước quốc tế trong đó có bảo vệ con người, đặc biệt là phạm nhân nữ hoặc trẻ chưa thành niên. Vì vậy Luật phải thường xuyên sửa đổi để phù hợp với các công ước mà chúng ta đã ký kết”.


Vị Luật sư Đoàn TP.HCM khẳng định, nhiều nước đã áp dụng việc nữ phạm nhân gặp gỡ chồng tại phòng riêng trong nhà giam. Tuy nhiên ở họ không xảy ra các vấn đề tiêu cực như ở Việt Nam.

“Xã hội phương Tây khuyến khích sinh con nhưng người dân những nước này lại không dám. Đặc biệt với trường hợp là các nữ tử tù thì lại càng khó. Họ không bao giờ dám đẻ con nếu không đủ khả năng chăm sóc hoặc điều kiện vật chất không đầy đủ khiến đứa trẻ sinh ra phải khổ.

Còn ở Việt Nam thì nguy cơ này rất cao. Nhiều nữ phạm nhân lợi dụng chính sách nhân đạo để mang thai nhằm hoãn việc thi hành án hoặc giảm án từ tử hình xuống chung thân. Vì vậy đó có thể coi là bài học để Việt Nam cân nhắc trong việc này” - ông Út nêu quan điểm.

Những việc phải làm

Cùng đưa ra nhận định, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Đoàn LS Hà Nội đánh giá, dự thảo mới là một văn bản quy phạm có tính nhân đạo, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền con người quy định tại Hiến pháp 2013 và các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Thắng cho rằng còn một số điểm còn chưa rõ ràng cần phải được xem xét cẩn trọng trước khi thông qua.

Thứ nhất, tại Khoản 3 Điều 5 của dự thảo quy định: “Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng” song không quy định rõ những phạm nhân nào đủ điều kiện gặp phạm nhân? Có hạn chế đối với những phạm nhân nhận án tử hình hay không?

“Cần quy định rõ để thống nhất cách hiểu và dễ áp dụng tại các cơ sở giam giữ trên cả nước. Hiện nay chúng ta có rất nhiều nhà giam, nếu văn bản không thống nhất được thì mỗi nơi áp dụng một kiểu thì rất khó. Với tư cách là một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng thường xuyên, nhiều lần, lặp đi lặp lại trên phạm vi cả nước thì cần phải đảm bảo tính thống nhất cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia”, LS Thắng nói.

Điểm thứ hai Luật sư Thắng lưu ý, đó là tại Khoản 3 Điều 5 Dự thảo quy định “Cam kết không mang thai”. Quy định này dường như chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa mà chỉ mang “tính kêu gọi”, “tính nội quy” nhiều hơn là tính quy định và chế tài của một quy phạm pháp luật.

“Giả sử, đã cam kết rồi, sử dụng biện pháp tránh thai rồi nhưng nữ phạm nhân vẫn mang thai thì sao? Giải quyết hậu quả những trường hợp này thế nào?

Chúng ta bắt nữ phạm nhân nạo hút, phá bỏ thai hay đứa trẻ sinh ra phải xử lý hậu quả như thế nào để đảm bảo phát triển đầy đủ của đứa trẻ, đảm bảo việc đứa trẻ không bị thiệt thòi. Việc này rất khó”, LS Thắng phân tích.

Điểm cuối cùng vị LS đề cập đến, đó là Dự thảo bắt buộc phạm nhân “Phải sử dụng biện pháp tránh thai” song không đề cập tới những biện pháp gì? Được áp dụng trước, trong hay sau khi phạm nhân gặp vợ (chồng)?

“Trên thực tế, các biện pháp tránh thai nào cũng không bảo đảm cho một kết quả tuyệt đối. Thậm chí có trường hợp cố tình lợi dụng chính sách nhân đạo của nhà nước để làm sai, cố tình mang thai nhằm trốn tránh việc thi hành án hoặc được giảm mức án. Đó là một vấn đề rất quan trọng cần phải lưu ý”, Luật sư Thắng băn khoăn.

Trong khi đó, LS Phạm Công Út cho rằng cần phải đề cao vai trò và trách nhiệm của các giám thị trại giam trong vấn đề bình xét phạm nhân cũng như giám sát việc thực hiện các cam kết. Nếu để xảy ra những trường hợp mang thai ngoài cam kết ở trại thì cán bộ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bên cạnh đó, LS Út cũng lưu ý đến việc các biện pháp phòng chống mang thai đối với nữ phạm nhân.

“Tôi nghĩ dùng thuốc tránh thai là biện pháp an toàn nhất. Trước hoặc sau khi gặp chồng về thì giám thị trại giam cần cho nữ phạm nhân uống thuốc tránh thai và việc này phải thực hiện trước mặt giám thị.

Đặc biệt, nếu như cam kết mà còn để xảy ra những tình trạng mang thai ngoài ý muốn thì phải quy định rõ ràng nữ bệnh nhân không được hưởng các chế độ khoan hồng của Đảng và nhà nước”, LS Út nói.

Không có nhận xét nào: