Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Kỹ năng xét xử và việc bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người


I. Khái niệm về tội mua bán người Trong những năm gần đây tình hình tội phạm về mua bán người đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên
thế giới, trong đó có Việt Nam. Nạn nhân của loại tội phạm này phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Buôn bán người đã trở thành một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn cho các tổ chức phạm tội. Lợi nhuận mà các tổ chức phạm tội thu được từ việc buôn bán người ước tính tới hơn 32 tỷ đô la mỗi năm. Theo số liệu thống kê của tổ chức lao động Quốc tế thì mỗi năm có khoảng 1 triệu người đã bị buôn bán. Ở nước ta, tình hình mua bán người cũng diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm xảy ra khoảng hơn 100 vụ mua bán người. Từ năm 2005 đến nay, chúng ta đã điều tra, bắt giữ 3000 vụ án về mua bán người với 5000 đối tượng, gần 6200 nạn nhân. Các địa bàn thường xảy ra các vụ án mua bán người là một số tỉnh miền núi giáp Trung Quốc như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai v.v… Thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng tinh vi hơn, chẳng hạn bọn tội phạm núp sau danh nghĩa kết hôn với người nước ngoài, nhận làm con nuôi hoặc xuất khẩu lao động v.v… Chính vì vậy, công tác đấu tranh phòng và chống loại tội phạm mua bán người đã và đang là một yêu cầu cấp thiết không chỉ ở từng quốc gia mà đã có tính toàn cầu. 1. Định nghĩa của Liên hợp quốc về buôn bán người Theo Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em của Liên hợp quốc đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000 và có hiệu lực từ ngày 25/12/2003 thì: a. "Buôn bán người" được hiểu là "việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắc cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác vì mục đích bóc lột. Hành vi bóc lột ở đây ít nhất là bao gồm bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay các hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể. b. Việc một nạn nhân của việc buôn bán người chấp nhận sự bóc lột có chủ ý được nêu tại khoản a trên đây sẽ không được tính đến nếu bất kỳ cách thức nào nêu ở khoản a đã được sử dụng. c. Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là buôn bán người ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức nào được nói tại khoản a trên đây. d. "Trẻ em" có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi Từ định nghĩa nêu trên của Liên hợp quốc, có thể rút ra các dấu hiệu của tội buôn bán người như sau: - Về mặt chủ quan: người thực hiện hành vi buôn bán người phải vì mục đích tư lợi, bóc lột; có thể là bóc lột về tình dục, lao động cưỡng bức, làm nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể. Suy cho cùng thì mục đích của những người thực hiện hành vi buôn bán người là vì lợi nhuận, đó là lỗi cố ý trực tiếp. - Về mặt khách quan: Hành vi mua bán người được thực hiện thông qua việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận đối tượng mua bán (người) và bóc lột họ. Người phạm tội có thể sử dụng các thủ đoạn như lừa dối, hứa hẹn, man trá, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng ép, bắt buộc, bắt cóc… nạn nhân. Trong định nghĩa của Liên hợp quốc không đề cập đến khách thể và chủ thể của tội phạm buôn bán người mà chỉ mô tả về mặt chủ quan và khách quan của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, về lý luận chung về tội phạm thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Riêng về khách thể và chủ thể thì quan điểm của các quốc gia có thể khác nhau. Người bị hại (nạn nhân) trong các vụ án buôn bán người không phân biệt giới tính là nam hay nữ. Theo khái niệm của Liên hợp quốc thì trẻ em là những người dưới 18 tuổi. 2. Mua bán người theo pháp luật Việt Nam Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 của nước Việt Nam chúng ta không có điều luật nào quy định tội danh "Buôn bán người" hoặc "mua bán người". Bộ luật hình sự 1999 chỉ quy định tội "Mua bán phụ nữ" (Điều 119) và tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" (Điều 120). Thực tiễn áp dụng các điều luật nói trên để xử lý các hành vi về mua bán người (phụ nữ, trẻ em) cũng đã nảy sinh những trường hợp mua bán đàn ông (người trên 16 tuổi) đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù việc mua bán đàn ông không nhiều (chỉ xảy ra khoảng 50 vụ) nhưng rõ ràng đây là một kẽ hở của pháp luật Việt Nam và cũng không phù hợp (tương thích) với pháp luật quốc tế. Ngoài ra, những vấn đề nảy sinh khác trong thực tiễn của đời sống xã hội cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều luật của BLHS cho phù hợp. Chính vì vậy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ năm thông qua Nghị quyết số 37/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009. Theo đó, Điều 119 và 120 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi. Cụ thể như sau: 2.1. Về Điều 119: Tội mua bán người 1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: a. Vì mục đích mại dâm; b. Có tổ chức; c. Có tính chất chuyên nghiệp; d. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; đ. Để đưa ra nước ngoài; e. Đối với nhiều người; g. Phạm tội nhiều lần. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. - Khách thể của tội mua bán người: Người phạm tội đã coi con người như một hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi. Hành vi phạm tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền làm người của nạn nhân. - Khách quan của tội phạm: thể hiện ở hành vi mua, bán, trao đổi con người để lấy tiền, hàng hóa hoặc các lợi ích khác. Đối tượng của việc mua bán là con người đủ 16 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính (nam, nữ). Các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, giao nhận người trong các vụ án mua bán người có thể do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều người thực hiện. Những người thực hiện ở các vai trò chủ mưu, tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức cho người thực hiện hành vi mua bán người đều là đồng phạm của tội mua bán người. Hậu quả của hành vi mua bán người là con người đó đã bị đem ra mua bán. Nếu người phạm tội đã thực hiện một số hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi bán, mua, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận… nhưng vì nguyên nhân nào đó ngoài ý muốn mà họ không thực hiện được việc mua bán người thì đó là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người thực hiện các hành vi nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Đối với những trường hợp đã thực hiện những hành vi tìm kiếm, chuẩn bị phương tiện, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hành vi mua bán người, thì người thực hiện các hành vi đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Lưu ý: Đối với những trường hợp phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội thì ngoài việc phải áp dụng các điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 17 (đối với hành vi chuẩn bị phạm tội), Điều 18 (đối với hành vi phạm tội chưa đạt), đồng thời phải căn cứ vào Điều 52 BLHS để quyết định hình phạt. (Đối với tội mua bán người là không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định nếu là chuẩn bị phạm tội và không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định nếu là phạm tội chưa đạt). - Chủ thể của tội phạm: Người từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đều là chủ thể của loại tội phạm này. Người chưa đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chỉ vi phạm vào khoản 1 Điều 119 BLHS. Trong thực tế thì người phạm tội mua bán người hầu hết là người đã thành niên. Những người chưa thành niên phạm tội này thường ở vai trò đồng phạm. - Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. - Về hình phạt: Điều luật quy định hai khung hình phạt + Khung 1: (Cấu thành cơ bản) quy định mức hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Mức hình phạt này áp dụng cho những người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung. Tất nhiên họ có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng khác nếu vi phạm vào Điều 48 BLHS. + Khung 2: Mức hình phạt quy định tại khung 2 là hình phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm, áp dụng đối với những người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a. Mua bán người vì mục đích mại dâm: chẳng hạn mua bán phụ nữ cho các ổ chứa mại dâm và buộc nạn nhân phải bán dâm ngoài ý muốn của họ. b. Có tổ chức: là trường hợp phạm tội có từ 2 người trở lên và có sự phân công vai trò, sự cấu kết chặt chẽ khi thực hiện hành vi phạm tội của những người phạm tội. c. Có tính chất chuyên nghiệp: người phạm tội lấy nguồn thu nhập từ hành vi phạm tội này làm nguồn sống chính. Theo Dự thảo Thông tư liên tịch của TANDTC, VKSNDTC, BCA, BQP, BTP thì "Có tính chất chuyên nghiệp" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 119 BLHS là trường hợp người phạm tội mua bán người từ 5 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích). Đối với trường hợp phạm tội từ 5 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần", "đối với nhiều người", "tái phạm", (hoặc tái phạm nguy hiểm) "và có tính chất chuyên nghiệp". Vấn đề này đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tại Nghị quyết HĐTP số 01/2006 ngày 12/5/2006 (điểm 5). Ví dụ: Tại bản án số 157/2012/HSST ngày 7/3/2012 của TAND Thành phố H đã xử phạt các bị cáo Vũ Văn Công, Bùi Ngọc Lương, Quách Ngọc Dũng, Nguyễn Nhật Cảnh, Trần Hoàng Anh, Trần Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn, Hoàng Văn Long, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thị Thu, Vũ Thị Tâm, Đinh Xuân Tứ, Nguyễn Đình Huân, Nguyễn Đắc Quảng, Vương Tiến Hoàng, Phạm Ngọc Anh, Phạm Thị Dung, Dương Duy Tuyến, Nguyễn Thị Hoài Thương và Ngô Tiến Mạnh về tội “Mua bán trẻ em” Xử phạt các bị cáo Vũ Văn Công, Nguyễn Nhật Cảnh, Trần Hoàng Anh, Trần Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn, Hoàng Văn Long, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thị Thu, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Vân Anh và Bùi Thị Nhung về tội “ Mua bán người” Bị cáo Vũ Văn Công và đồng bọn đã thực hiện 8 hành vi mua bán 4 phụ nữ và 5 trẻ em để đưa sang Trung Quốc hoặc đưa vào các ổ chứa mại dâm để buộc họ phải bán dâm. Ngoài ra các bị cáo khác trong vụ án còn thực hiện các hành vi mua bán người, mua bán trẻ em khác. Tổng số các bị cáo trong vụ án đã thực hiện 16 hành vi mua bán người hoặc mua bán trẻ em. Tòa án nhân dân thành phố H đã áp dụng các điểm a (có tổ chức); điểm b (có tính chất chuyên nghiệp), điểm e (để đưa ra nước ngoài), điểm h (để sử dụng vào mục đích mại dâm) để xử phạt các bị cáo là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị cáo đã mua bán 5 trẻ em, nhưng Tòa án không áp dụng điểm d (đối với nhiều trẻ em) là thiếu sót. d. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể của họ. Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định (như tim, gan, thận, nhãn cầu, tay, chân…). đ. Để đưa ra nước ngoài là trường hợp mua bán người để đưa nạn nhân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài. Chẳng hạn có căn cứ về việc người phạm tội đã thỏa thuận với người mua ở nước ngoài, đã làm giả giấy tờ để xuất cảnh hoặc đã nhận tiền đặt cọc của người nước ngoài… e. Đối với nhiều người: là trường hợp mua bán từ hai người trở lên trong cùng một lần phạm tội. g. Phạm tội nhiều lần là trường hợp mua bán từ hai lần trở lên, không phân biệt các hành vi mua bán đó được thực hiện đối với một người hay đối với nhiều người và trong các lần mua bán đó người phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Tháng 10/2009, Bị cáo A mua bán một người, tháng 2/2011 bị cáo A lại mua bán 2 người; tháng 8/2012 bị cáo A mua bán 3 người thì bị bắt giữ. Trong quá trình điều tra, có đủ căn cứ để khẳng định những lần A đã mua bán người vào tháng 10/2009 và tháng 2/2011. Như vậy, những lần phạm tội trước đó bị cáo chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khi xét xử, Tòa án áp dụng điểm g, khoản 2, Điều 119 để xử phạt bị cáo. Lưu ý: 1. Trong thực tiễn đã xảy ra một số trường hợp môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép, môi giới để bán một bộ phận cơ thể, môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép thì tùy từng trường hợp cụ thể người môi giới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Ví dụ: Người môi giới hôn nhân với người nước ngoài có thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc hoặc lợi dụng tình trạng khó khăn của người nào đó để trực tiếp hoặc tổ chức đưa người đó ra nước ngoài thực hiện việc hôn nhân trái phép. Người môi giới đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và đã giao người đó cho người được môi giới, không phụ thuộc vào việc họ có đồng tình hay không. Hoặc trường hợp người môi giới biết rõ việc kết hôn với người nước ngoài chỉ là thủ đoạn, là phương thức thực hiện việc mua bán người để bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc lấy bộ phận cơ thể v.v… nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để vụ lợi. 2. Nếu hành vi môi giới đưa người lao động đi nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể người môi giới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản (Điều 140) BLHS. Nếu người môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép nhưng không cần quan tâm đến việc người lao động sẽ làm gì, sinh sống ra sao ở nước ngoài thì không phải là hành vi mua bán người. Ngược lại, nếu người môi giới biết rõ việc đi nước ngoài lao động chỉ là hình thức, phương tiện để hợp pháp hóa việc xuất cảnh còn thực chất là bên nhận người sẽ bán những người lao động cho người khác hoặc sẽ bóc lột lao động, bóc lột tình dục… thì người môi giới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. 3. Nếu hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (có sự tự nguyện của họ) hoặc cưỡng ép họ trốn đi nước ngoài không vì mục đích vụ lợi thì không cấu thành tội mua bán người mà cấu thành tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc � lại nước ngoài trái phép (Điều 275 BLHS). 2.2. Về Điều 120: Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em Đây là một tội ghép của ba tội khác nhau là mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em. Do đó nếu bị cáo chỉ thực hiện một hành vi mua bán trẻ em thì chỉ phạm một tội mua bán trẻ em. Tòa án không được tuyên bố bị cáo phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1996 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của phần các tội phạm Bộ luật hình sự" thì: "Mua bán trẻ em" được hiểu là "việc mua hoặc bán trẻ em vì mục đích tư lợi, dù là mua của kẻ bắt trộm hay của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em". Đánh tráo trẻ em là dùng thủ đoạn hoặc mánh khóe gian lận để thay thế đứa trẻ này bằng đứa trẻ khác. Chẳng hạn có nhiều con gái, muốn có con trai nên đã thông đồng với nhân viên y tế để đánh tráo con của người khác. Chiếm đoạt trẻ em là hành vi lấy đứa trẻ của người khác cho mình bằng các thủ đoạn như dựa vào vũ lực, quyền thế. Hậu quả của các hành vi trên là đứa trẻ bị đem ra mua bán, bị đánh tráo, bị chiếm đoạt thoát ra khỏi sự quản lý của bố mẹ, gia đình. Chú ý: Theo pháp luật Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. - Chú ý: Theo pháp luật Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Điều 120 BLHS quy định: 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a. Có tổ chức; b. Có tính chất chuyên nghiệp; c. Vì động cơ đê hèn; d. Đối với nhiều trẻ em; đ. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e. Để đưa ra nước ngoài; g. Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; h. Để sử dụng vào mục đích mại dâm; i. Tái phạm nguy hiểm; k. Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm. - Khách thể của tội phạm: Xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em. Cao hơn là đã xâm phạm đến quyền con người của trẻ em. - Khách quan của tội phạm: Các hành vi khách quan trong tội mua bán trẻ em thường được biểu hiện như rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ, lừa dối trẻ em theo người phạm tội. Trong thực tiễn đã xảy ra việc tấn công bắt cóc trẻ em để bán qua Trung Quốc. Người phạm tội có thể mua để nuôi, rồi đem bán hoặc sử dụng trẻ em vào mục đích khác. Hành vi phạm tội có thể là công nhiên tấn công để chiếm đoạt trẻ em, có thể là lét lút bí mật bắt cóc đứa trẻ khi trẻ em đang đi chơi, đang ngủ v.v… Tuy nhiên các hành vi nói trên cũng nhằm mục đích mua bán trẻ em vì động cơ vụ lợi. Đối với các hành vi đánh tráo trẻ em thì thường có đồng phạm, việc đánh tráo trẻ em thường xảy ra ở các bệnh viện, nhà hộ sinh khi mà người có con bị đánh tráo chưa thực sự biết con mình đẻ ra như thế nào. Việc đánh tráo con, đánh tráo trẻ em có thể không vì mục đích vụ lợi mà vì động cơ khác. Người giúp sức, xúi giục cho hành vi đánh tráo trẻ em là đồng phạm của tội đánh tráo trẻ em. - Chủ thể của tội phạm: Người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. - Chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. - Về hình phạt: Điều luật quy định hai khung hình phạt + Khung 1: Cấu thành cơ bản quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười năm, áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết định khung tăng nặng. + Khung 2: Cấu thành tăng nặng quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a. Có tổ chức là trường hợp vụ án có từ hai người trở lên, khi thực hiện hành vi phạm tội có sự phân công vai trò, trách nhiệm của từng người và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội. b. Có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội có nguồn thu nhập, sống chủ yếu dựa vào hoạt động phạm tội. Theo dự thảo Thông tư liên tịch của ngành Tư pháp Trung ương thì có từ 5 lần phạm tội trở lên (tương tự như đối với điểm c, khoản 2, Điều 119 đã trình bày ở phần trên). Xem điểm 5 Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán số 01/2006 ngày 12/5/2006. c. Vì động cơ đê hèn là trường hợp phạm tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em nhằm để trả thù, phản trắc, bội bạc với những người thân trong gia đình, trong cơ quan hoặc nơi sinh sống. Cũng có thể là do mâu thuẫn mà thực hiện hành vi bắt cóc, chiếm đoạt hay đánh tráo con của người đó để triệt hạ nòi giống v.v… d. Đối với nhiều trẻ em: từ 2 trẻ em trở lên trong một lần phạm tội. đ. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Chẳng hạn như mua bán trẻ em để người mua lấy bộ phận cơ thể gan, tủy, thận, nhãn cầu… của trẻ em đó. e. Để đưa ra nước ngoài: là trường hợp mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt để đưa trẻ em ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài. g. Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo như dùng trẻ em để làm thí nghiệm, nghiên cứu, thử nghiệm thuốc v.v… Nếu nạn nhân bị chết hoặc tổn hại sức khỏe thì người phạm tội còn có thể bị truy tố thêm về tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. h. Để sử dụng vào mục đích mại dâm: đưa trẻ em vào các ổ chứa mại dâm, bắt trẻ em phải bán dâm hoặc bán cho người nước ngoài để họ quan hệ tình dục. i. Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội trước đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tiếp tội này. k. Gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho trẻ em bị ốm đau, bệnh tật, thương tích, suy nhược thần kinh vì hoảng sợ, thậm chí làm cho đứa trẻ tâm thần rối loạn. Bố mẹ đứa trẻ vì mất con mà đau ốm triền miên, thậm chí tâm thần, điên loạn v.v… Cũng được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khi mà nạn nhân (trẻ em) uất ức, hoảng sợ mà tự vẫn; bị hành hạ, ngược đãi, không trông nom, chăm sóc nên ốm và chết; trẻ em bị lây nhiễm AIDS, mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như giang mai. Đó là những hậu quả vật chất, còn có thể có các hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả gây ra đã đến mức nghiêm trọng hay chưa. Lưu ý: 1. Trường hợp môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật - Nếu người môi giới nuôi con nuôi đã chuyển giao trẻ em cho người khác để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và có căn cứ để khẳng định là người môi giới biết việc nhận nuôi con nuôi chỉ là hình thức còn thực chất đó là việc bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục hoặc lấy bộ phận cơ thể thì người môi giới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em (Điều 120 BLHS). - Nếu người môi giới nuôi con nuôi biết rõ mục đích của người nhận nuôi con nuôi cũng chỉ là hình thức mà thực chất là sau khi nhận "con nuôi" thì đứa trẻ cũng sẽ bị bán cho người khác thì người môi giới và người nhận con nuôi đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em (Điều 120 BLHS). - Trường hợp người cha, người mẹ cho con đẻ của mình cho người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi thông qua môi giới và người cha, người mẹ được người nhận con nuôi cho một khoản tiền để bù đắp khó khăn, cho người môi giới một khoản tiền để "thù lao" hay "cảm ơn" thì không cấu thành tội mua bán trẻ em. Ví dụ: Nguyễn Thị Kim Chi nguyên là nhân viên của Bệnh viện phụ sản Trung ương – Hà Nội nên biết có nhiều trường hợp sản phụ sinh con ngoài hôn nhân nên không muốn nuôi con, mặt khác lại có nhiều người có nhu cầu xin hoặc mua trẻ sơ sinh về làm con nuôi. Chi bàn với chồng là Đặng Quang Hy đến một số bệnh viện để xin trẻ sơ sinh về nuôi, sau đó nếu có người có nhu cầu nuôi con nuôi thì bán để kiếm lợi. Để nuôi dưỡng những trẻ sơ sinh trong thời gian chờ để bán, Chi và Hy nhờ Bùi Thị Lệ Thuần là em dâu chăm sóc trẻ sơ sinh, mỗi ngày trả công cho Thuần 70.000 đồng. Trong hai năm 2009 và 2010, vợ chồng Chi-Hy đã thực hiện 4 lần nhận trẻ sơ sinh và đã bán trót lọt 3 cháu cho người có nhu cầu nuôi con nuôi. Cháu bé thứ 4 chưa thực hiện được việc bán thì bị phát hiện bắt giữ. Trong vụ án này, có một số người như chị Trần Thị Thanh Hương là bác sỹ Bệnh viện phụ sản Trung ương, Chị Phạm Thị Thu Huyền, Lều Thị Loan, Hoàng Trọng Hòa, Đoàn Thị Hằng là những người có hành vi môi giới trong việc nhận con nuôi, nhưng họ không biết mục đích của các bị cáo là nhận con nuôi để bán kiếm lời nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự là đúng. Tòa án nhân dân thành phố H đã áp dụng điểm d (đối với nhiều trẻ em): Khoản 2 Điều 120 BLHS để xử phạt các bị cáo về tội “Mua bán trẻ em” là chưa chính xác vì đây là 4 vụ án khác nhau nhưng được truy tố trong một vụ án (nhập vụ án). Mỗi vụ án các bị cáo chỉ mua bán 01 trẻ em chứ không phải là nhiều trẻ em. 2. Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép nhưng không biết mục đích của người nhận con nuôi là bóc lột, là lạm dụng tình dục, là lấy bộ phận cơ thể hoặc để bán lại cho người khác… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em. Ngược lại, nếu người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức quyền để nhận tiền bạc, tài sản, vật chất… mà biết rõ việc nhận con nuôi chỉ là "vỏ bọc" của các hành vi sau đó là bóc lột, lạm dụng tình dục, lấy bộ phận cơ thể… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 120 BLHS. Trường hợp không biết mục đích thật của người nhận con nuôi là phi pháp thì người có chức vụ quyền hạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS), tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi (Điều 283 BLHS). 3. Thỏa thuận mua bán thai nhi mặc dù đứa trẻ chưa ra đời cũng là phạm tội mua bán trẻ em. Trường hợp vì lý do nào đó mà sau khi đứa trẻ ra đời nhưng thỏa thuận mua bán thai nhi, nay là đứa trẻ không thực hiện được vì các nguyên nhân ngoài ý muốn thì tùy từng trường hợp cụ thể, người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt (Điều 17 và 18 BLHS). - Trường hợp bắt cóc trẻ em nhằm tống tiền (chiếm đoạt tài sản) thì không phải là hành vi chiếm đoạt trẻ em mà đó là dấu hiệu của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134 BLHS). 4. Trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để lấy bộ phận cơ thể của trẻ em dẫn đến hậu quả làm cho đứa trẻ bị chết (chẳng hạn lấy tim, lấy gan, cắt cả hai quả thận v.v…) thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: Giết người với tình tiết định khung là "để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân". Những trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: "mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em và tội giết người. Vấn đề đặt ra là tình tiết "Lấy bộ phận cơ thể" là tình tiết tăng nặng định khung của cả hai tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em và tội giết người. Vậy tình tiết này có được áp dụng đối với cả hai tội hay không. Trên nguyên tắc một hành vi không bị xử lý hai lần thì tình tiết này sẽ không được áp dụng hai lần ở hai tội khác nhau. Đây cũng là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và chưa có hồi kết. 5. Các vấn đề nêu trên là những quy định của pháp luật Việt Nam về mua bán người, tội danh, hình phạt. Cần lưu ý là ngoài các hình phạt (chế tài hình phạt) đã được quy định trong cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng của Điều 120 (cũng như Điều 119) thì còn quy định về các hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp trong khung 3 của điều luật. Khi xét xử, Thẩm phán cần chú ý là quy định tại khoản 3 của Điều 119 và khoản 3 Điều 120 là những quy định "mở", thể hiện sự tùy nghi cho phép lựa chọn khả năng áp dụng hoặc không áp dụng. Tuy nhiên, dù áp dụng hay không áp dụng thì Thẩm phán cũng phải làm rõ tại phiên tòa, nhận định, đánh giá trong bản án và quyết định trong bản án về việc có hay không áp dụng hình phạt bổ sung hoặc biện pháp tư pháp. 6. Đối với việc xử lý các khoản tiền thu lợi bất chính trong các vụ án mua bán người hoặc mua bán trẻ em. Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 41 BLHS thì phải buộc bị cáo (hoặc các bị cáo) truy nộp số tiền thu lợi bất chính để sung công quỹ nhà nước. Vấn đề tịch thu tiền thu lợi bất chính để sung công quỹ nhà nước hoàn toàn không liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho người bị hại hoặc thân nhân của người bị hại, cũng không liên quan đến việc số tiền đó đã chi tiêu còn hay hết. Hầu hết các bản án đã áp dụng đúng quy định tại Điều 41 BLHS, tuy nhiên, cũng có bản án không áp dụng quy định này. Ví dụ: Bản án số 01/2013/HSST ngày 04/1/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh H.G xét xử bị cáo Sùng Dũng Lềnh về tội mua bán người. Bị cáo Sùng Dũng Lềnh đã lừa chị Vàng Thị Dợ sang Trung Quốc để bán lấy 7.000 nhân dân tệ. Lềnh cho một số người ở Trung Quốc 700 NDT, còn lại 6.300 NDT Lềnh chi tiêu hết 5.800 NDT (sau khi đổi sang tiền Việt Nam). Khi vụ án bị phát hiện, Lềnh nộp lại 500 NDT. Bản án nhận định “ Về khoản tiền 7.000 NDT do bị cáo Sùng Dũng Lềnh bán chị Vàng Thị Dợ mà có, còn lại 5.800 NDT, bị cáo đã đổi sang tiền Việt Nam và chi tiêu cá nhân nên Hội đồng xét xử xét thấy không cần truy thu đối với khoản tiền này”. Bản án không buộc bị cáo phải truy nộp 5.800NDT để tịch thu sung công quỹ nhà nước là không đúng quy định tại Điều 41 BLHS. 7. Về xử lý vật chứng Vật chứng trong các vụ án về mua bán người, mua bán trẻ em thường là các giấy tờ tùy thân, điện thoại, phương tiện vận chuyển như xe máy, xe ô tô… Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án xử lý vật chứng như thế nào. Tuy nhiên, dù xử lý tịch thu sung công, tịch thu tiêu hủy hay trả lại vật chứng thì bản án cũng phải có nhận định cụ thể về lý do xử lý vật chứng. II. Kỹ năng xét xử các vụ án về mua bán người 1. Giai đoạn chuẩn bị xét xử a. Kiểm tra hồ sơ vụ án khi thụ lý Hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để truy tố. Trước hết thư ký Tòa án phải kiểm tra xem hồ sơ có đầy đủ các bút lục như trong bảng kê tài liệu có trong vụ án không. Một số tài liệu cần thiết về lý lịch tư pháp, danh chỉ bản của bị cáo, giấy khai sinh (nếu là người chưa thành niên); kiểm tra các tài liệu về thủ tục tố tụng do cơ quan điều tra hoặc do Viện kiểm sát tiến hành đã đầy đủ và đúng về hình thức chưa; kiểm tra xem bị can, bị cáo đã được nhận kết thúc điều tra và bản cáo trạng chưa; kiểm tra về lệnh giam hoặc quyết định trả tự do v.v… Đối với các vụ án về mua bán người, cần chú ý kiểm tra các tài liệu sau đây: - Các tài liệu về việc mua bán người như các đơn tố cáo, tin báo tội phạm, tài liệu về việc thu lợi của bị cáo (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác). - Tài liệu xác định tuổi của nạn nhân để phân biệt tội danh mua bán người với mua bán trẻ em. Đối với các vụ án mà ngoài việc bị cáo bị truy tố về tội mua bán người, còn bị truy tố về tội danh khác như các tội phạm về tình dục: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em cần chú ý kiểm tra các tài liệu giám định. Nếu bị cáo còn bị truy tố về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân thì cần kiểm tra các tài liệu về giám định pháp y, khám nghiệm tử thi, kết luận của pháp y về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân hoặc các tài liệu giám định thương tích, giám định sức khỏe. Tuổi của nạn nhân trong các vụ án về tình dục có ý nghĩa quyết định để xác định bị cáo phạm tội hay không phạm tội hoặc nếu là phạm tội thì phạm tội gì và ở khung hình phạt nào. Ví dụ: hành vi dâm ô với trẻ em hoặc tự nguyện giao cấu chỉ cấu thành tội phạm khi trẻ em dưới 16 tuổi, giao cấu với người dưới 13 tuổi trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều phạm tội hiếp dâm trẻ em; hiếp dâm, cưỡng dâm người chưa thành niên là tình tiết định khung tăng nặng của hai tội này. Chính vì vậy, khi kiểm tra hồ sơ vụ án, nếu thấy những tài liệu quan trọng nêu trên chưa đầy đủ thì thư ký chưa nhận hồ sơ và trao đổi với Viện kiểm sát để bổ sung. Việc kiểm tra tài liệu, hồ sơ không kỹ hoặc thiếu nhạy bén nghề nghiệp, kiểm tra qua loa cốt đủ tài liệu so với bảng kê tài liệu và thụ lý sẽ dẫn tới việc Thẩm phán sẽ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. b. Nghiên cứu hồ sơ vụ án. Sau khi được phân công, Thẩm phán nhận hồ sơ và tiến hành nghiên cứu, có hai phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án là: - Nghiên cứu theo trình tự thời gian, trình tự tố tụng của hồ sơ vụ án. Phương pháp này giúp cho Thẩm phán nắm chắc nội dung vụ án, tư duy và tổng hợp chính xác diễn biến của vụ án, tránh được sự lệ thuộc vào kết luận điều tra cũng như bản cáo trạng. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ mất nhiều thời gian, công sức. - Nghiên cứu kết thúc điều tra, bản cáo trạng ( không theo trình tự tố tụng hoặc thời gian), sau đó nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án để đánh giá tính đúng đắn, chính xác hay không của các tài liệu kết luận của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Phương pháp này nhanh hơn nhưng dễ bị lệ thuộc vào kết luận của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nên thiếu đi tính khách quan trong nghiên cứu hồ sơ vụ án. Dù nghiên cứu hồ sơ theo phương pháp nào thì Thẩm phán cũng phải đặc biệt chú ý xem xét các chứng cứ để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội: - Các lời khai của bị cáo về hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Các hành vi này chỉ có thể là cố ý trực tiếp, không có lỗi vô ý trong loại tội phạm này. - Các chứng cứ để xác định thủ đoạn phạm tội: dùng vũ lực, đe dọa, dụ dỗ, rủ rê, lừa dối, bắt cóc….Đây là các hành vi khách quan của bị cáo khi thực hiện tội phạm. - Chứng cứ về việc trao đổi, mua bán, giá cả, phương thức thanh toán bằng tiền, hiện vật hay lợi ích vật chất. Đây là những chứng cứ rất quan trọng để chứng minh tư lợi. - Chứng cứ về mối quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân, trong một số trường hợp mối quan hệ này có thể là tình tiết định khung tăng nặng. Ví dụ như vì động cơ trả thù, động cơ đê hèn… - Các chứng cứ về hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để xác định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng – Một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. - Các chứng cứ về thiệt hại của nạn nhân, gia đình nạn nhân ( chẳng hạn như việc tổn hại tinh thần do con bị bắt cóc, bị giết…). Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ và ra một trong các quyết định: - Chuyển hồ sơ vụ án; - Tạm đình chỉ; - Đình chỉ; - Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; - Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu Thẩm phán thấy thiếu các tài liệu, chứng cứ quan trọng; tài liệu, chứng cứ chưa rõ ràng hoặc có căn cứ để xác định bị cáo phạm tội nặng hơn, còn phạm tội khác …thì Thẩm phán phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT –VKSNDTC – BCA – TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao “ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. c. Lập kế hoạch xét hỏi. Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán xây dựng kế hoạch xét hỏi. Việc xét hỏi tại phiên tòa vừa để kiểm tra các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã rõ, vừa xác định các tình tiết của vụ án chưa rõ ràng về chứng cứ. Dù đã rõ hay chưa rõ thì vẫn phải thẩm tra tại phiên tòa bởi vì mọi phán quyết của Tòa án đều phải dựa trên kết quả phiên tòa. Kế hoạch xét hỏi cần tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản sau đây: - Có sự việc phạm tội xảy ra không? Xảy ra ở đâu, thời điểm nào. - Ai là người đã thực hiện các hành vi phạm tội đó. - Ý thức chủ quan của người có hành vi phạm tội. - Thủ đoạn phạm tội là gì. - Hậu quả của vụ án do hành vi phạm tội gây ra ( về vật chất hoặc phi vật chất). Trong kế hoạch xét hỏi, Thẩm phán phải chú ý có kế hoạch xét hỏi về những vấn đề, những tình tiết còn mâu thuẫn trong tài liệu, chứng cứ vụ án. Có thể cho đối chất tại phiên tòa để làm rõ các mâu thuẫn này. Thẩm phán cũng phải dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa để có kế hoạch công bố các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Dự kiến các tình huống khác như việc nạn nhân xin được xử kín, các bị cáo hoặc một bị cáo phản cung hoặc khai không đúng như các lời khai tại cơ quan điều tra, thậm chí là không khai báo… - Trước khi mở phiên tòa, nếu xét thấy vụ án phức tạp, có thể có việc gây rối, hành hung thì Thẩm phán cần có kế hoạch phối hợp với lực lượng bảo vệ phiên tòa để triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho phiên tòa. Nếu vụ án được chọn là án điểm, đưa ra xét xử lưu động thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, lực lượng bảo vệ, chính quyền địa phương nơi đưa vụ án về xét xử để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên tòa, đồng thời đề cao được tính giáo dục, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tăng cường tác dụng đấu tranh phòng và chống tội phạm mua bán người. 2. Phiên tòa. Tổ chức xét xử tại phiên tòa là một trong những giai đoạn tố tụng được coi là quan trọng nhất trong quá trình xét xử một vụ án sơ thẩm hình sự. Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án ra bản án hoặc quyết định đúng đắn và có như vậy mới đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kết quả của phiên tòa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân phải nắm thật chắc nội dung của vụ án, tức là phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, phải có kế hoạch xét hỏi chu đáo, phải có sự chủ động và tự tin khi ra phiên tòa. Vì thế việc chuẩn bị phiên tòa có ý nghĩa to lớn đến kết quả phiên tòa. a. Thủ tục bắt đầu phiên tòa. Sau khi Thư ký phiên tòa đã thực hiện xong các phần việc của mình tại phiên tòa và mời Hội đồng xét xử ra làm việc, thì Thư ký phiên tòa phải yêu cầu tất cả mọi người trong phòng xử án phải đứng lên, trong đó có cả đại diện Viện kiểm sát . Đại diện Viện kiểm sát không ra phiên tòa cùng với Hội đồng xét xử mà phải đến và ngồi tại vị trí của mình trước khi Hội đồng xét xử ra làm việc. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là người điều hành toàn bộ phiên tòa và là người đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thư ký phiên tòa báo cáo cho Hội đồng xét xử biết sự có mặt hoặc vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên tòa. Nếu sự vắng mặt của một trong những người được triệu tập đến phiên tòa ảnh hưởng lớn đến việc xét xử thì Hội đồng xét xử phải thảo luận để quyết định hoãn phiên tòa mà không cần thiết phải làm phần tiếp theo của phiên tòa là kiểm tra căn cước những người được triệu tập đến phiên tòa. Trường hợp sự vắng mặt của người được Tòa án triệu tập không ảnh hưởng đến việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Nếu không phải hoãn phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước của những người tham gia tố tụng, theo thứ tự: bị cáo; người đại diện hợp pháp của bị cáo; người bị hại; người đại diện hợp pháp của người bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người làm chứng; người giám định; người dịch và những người tham gia tố tụng khác nếu có. Chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật. Chủ tọa phiên tòa giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa và giải thích về việc đề nghị xin thay đổi những người tiến hành tố tụng theo Điều 202 BLTTHS. Nếu có yêu cầu thay đổi một trong những người tiến hành tố tụng thì Hội đồng xét xử phải xem xét và quyết định. Việc xem xét và quyết định này phải căn cứ vào các quy định cụ thể tại các Điều 43 “Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng”; Điều 46 “thay đổi Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân”; Điều 45 “Thay đổi Kiểm sát viên”; Điều 47 “thay đổi Thư ký Tòa án”; khoản 4 Điều 60 “Người giám định”; khoản 3 Điều 61 “Người phiên dịch”. Các căn cứ để từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 03/2004 ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo quy định tại khoản 2 Điều 199 BLTTHS thì “Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, Thư ký Tòa án; chuyển vụ án; yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản”. Nếu người bị thay đổi là Chánh án (Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa) Viện trưởng (Kiểm sát viên tham gia phiên tòa) thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Nếu yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng là giám định viên, người phiên dịch không được Hội đồng xét xử chấp nhận thì Hội đồng xét xử phải công bố quyết định không chấp nhận yêu cầu ( bác yêu cầu) và tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung. Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng xem có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu dưa ra vật chứng, tài liệu tại phiên tòa không. Trong trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai có yêu cầu hoãn phiên tòa không. Nếu có yêu cầu này thì Hội đồng xét xử phải thảo luận ( không cần phải vào phòng nghị án) và quyết định hoãn hoặc không hoãn phiên tòa. Phần thủ tục phiên tòa mặc dù là phần mở đầu, có tính chất là hình thức nhưng rất quan trọng. Nếu làm sơ sài, bỏ qua các thủ tục thì dễ dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. b. Xét hỏi tại phiên tòa. Kết thúc phần thủ tục phiên tòa, Hội đồng xét xử chuyển sang phần xét hỏi ( hay còn gọi là thẩm vấn). Hội đồng xét xử mời đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung ( nếu có) theo Điều 206 BLTTHS. Hội đồng xét xử phải cho bị cáo trình bày ý kiến của mình về bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 209 BLTTHS. Nếu bị cáo có ý kiến không thống nhất hoặc không đồng ý về một phần hay toàn bộ bản cáo trạng thì Hội đồng xét xử phải ghi lại những thắc mắc đó để giải quyết trong phần xét hỏi tại phiên tòa. Thực tiễn cho thấy có những ý kiến thắc mắc của bị cáo là đúng, do đó Hội đồng xét xử phải tôn trọng những ý kiến của bị cáo về bản cáo trạng và phải giải quyết các thắc mắc đó tại phiên tòa. Theo khoản 1 Điều 207 BLTTHS thì Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Các vấn đề này phải thể hiện trong kế hoạch xét hỏi. Theo khoản 2 Điều 207 BLTTHS thì “ khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Viện kiểm sát, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự..” Điều luật không quy định ai là người hỏi chính, ai là người hỏi phụ, ai là người hỏi bổ sung. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thì Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa và là người hỏi chính, các Hội thẩm nhân dân hỏi bổ sung, còn Viện kiểm sát, người bào chữa cũng có thể đặt câu hỏi bổ sung hoặc các câu hỏi để làm rõ một vấn đề nào đó mà Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc hỏi chưa rõ. Theo Điều 184 BLTTHS thì Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp. “Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa”, do vậy việc xét hỏi phải đảm bảo đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các tình tiết của vụ án. Vấn đề cơ bản của vụ án hình sự là tội phạm và hình phạt, vì vậy khi xét hỏi phải tập trung làm rõ có hay không có cấu thành tội phạm. Nếu cấu thành tội phạm thì đó là tội gì, được quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự. Đối với các vụ án về mua bán người, ngoài các vấn đề đã nêu ở trên, Hội đồng xét xử cần tập trung làm rõ: - Những mâu thuẫn (nếu có) giữa các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa; giữa các lời khai của từng bị cáo hoặc các bị cáo; giữa lời khai với vật chứng; giữa lời khai với các kết luận giám định hoặc các biên bản khám nghiệm hiện trường… Khi có sự mâu thuẫn này, chẳng hạn như mâu thuẫn về việc lừa đối với tự nguyện, mâu thuẫn về lợi ích vật chất, việc thanh toán tiền… thì Hội đòng xét xử phải yêu cầu bị cáo, người bị hại hoặc người liên quan, người giám định giải thích về sự mâu thuẫn đó. Hội đồng xét xử có thể cách ly người tham gia tố tụng hoặc đối chất tại phiên tòa. - Hầu hết các vụ án mua bán người đều có đồng phạm, do vậy việc xét hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau là căn cứ vào việc nghiên cứu hồ sơ vụ án của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa. Xét hỏi từng bị cáo để làm sáng tỏ vai trò của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm và nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt đối với từng bị cáo trong vụ án. - Hội đồng xét xử phải xét hỏi kỹ về hành vi khách quan mà bị cáo đã thực hiện. Các hành vi khách quan có thể là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo. - Trong trường hợp ngoài tội mua bán người, bị cáo còn bị truy tố về các tội phạm tình dục thì việc đặt câu hỏi để tìm ra sự thật khách quan là rất cần thiết, nhưng cần chú ý các câu hỏi không quá cụ thể, quá sâu vào các tình tiết của hành vi vì chúng ta c�n phải bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Không cần thiết phải quá kỹ vì như vậy sẽ gợi lại nỗi đau khổ của nạn nhân nhất là nạn nhân lại là người chưa thành niên. Xét hỏi là một kỹ năng nghề nghiệp của Thẩm phán và xét hỏi cũng là một khâu hết sức quan trọng của phiên tòa, chính vì vậy BLTTHS rất chú trọng đến xét hỏi. Luật tố tụng hình sự quy định “Trở lại việc xét hỏi” cũng nhằm đảm bảo mọi chứng cứ, tài liệu, mọi vấn đề liên quan đến vụ án đều phải được xem xét tại phiên tòa và chỉ căn cứ vào đó mà Tòa án ra bản án. Lưu ý: Trở lại việc xét hỏi tức là chỉ xét hỏi những vấn đề, những tình tiết mà chưa rõ hoặc chưa được xét hỏi chứ không phải là xét hỏi lại toàn bộ vụ án. Kết thúc việc xét hỏi những vấn đề phát sinh, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên tòa và cũng chỉ tranh luận về những vấn đề mới được xét hỏi chứ không tranh luận lại toàn bộ vụ án. c. Tranh luận tại phiên tòa Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa mời Kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Thời gian luận tội của Kiểm sát viên không hạn chế. Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe, ghi chép những điểm chính thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về vụ án. Tại phiên tòa, Viện kiểm sát có thể kết luận vụ án theo các hướng sau đây: - Một là: Giữ nguyên quan điểm truy tố của bản cáo trạng và có thể kết luận thêm về một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc nêu quan điểm về giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. - Hai là: Thay đổi tội danh theo hướng nhẹ hơn hoặc bằng tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố; thay đổi khung hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn khung hình phạt đã truy tố. - Ba là: rút một phần hoặc toàn bộ bản cáo trạng. Khi gặp trường hợp này Hội đồng xét xử phải ghi rõ các căn cứ rút truy tố của Viện kiểm sát. + Nếu Viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 221 BLTTHS, Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, tức là Tòa án vẫn có thể kết tội bị cáo nếu như Viện kiểm sát rút truy tố một phần đó là không có căn cứ. + Nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố ( tức là rút toàn bộ bản cáo trạng) thì căn cứ vào Điều 221 BLTTHS, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó của Viện kiểm sát. Khi nghị án nếu thấy có căn cứ là bị cáo không phạm tội thì Hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội. Ngược lại, nếu có đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét lại quyết định rút toàn bộ truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới. Cùng với công văn kiến nghị, Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp trên. + Nếu Viện kiểm sát cấp trên nhất trí với kiến nghị của Tòa án thì sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định rút toàn bộ truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới và chuyển hồ sơ lại cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ. Tòa án thụ lý lại hồ sơ và xét xử trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý lại hồ sơ vụ án. + Nếu Viện kiểm sát cấp trên thống nhất với quyết định rút toàn bộ truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới thì ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ biết (Công văn số 328/NCPL ngày 22/6/1993 của Tòa án nhân dân tối cao về quyết định rút truy tố của Viện kiểm sát). Bốn là: Viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa để rút hồ sơ điều tra bổ sung một số chứng cứ mà không thể bổ sung tại phiên tòa. Nếu xét thấy đề nghị đó của Viện kiểm sát là có căn cứ thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngược lại, nếu đề nghị đó không có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. - Những người tham gia tố tụng tranh luận tại phiên tòa. + Bị cáo và người bào chữa của bị cáo có quyền trình bày ý kiến bào chữa tại phiên tòa. Thông thường nếu bị cáo có người bào chữa thì Chủ tọa phiên tòa mời người bào chữa trình bày trước. Bị cáo có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với các ý kiến của người bào chữa và có quyền tự bào chữa, bổ sung các ý kiến về bài bào chữa của người bào chữa cho mình. Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe, ghi chép các ý kiến đó, không hạn chế thời gian bào chữa, nhưng nếu các vấn đề bào chữa không liên quan đến vụ án thì Chủ tọa phiên tòa có quyền cắt các ý kiến đó. + Việc tranh luận của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, người đại diện hợp pháp hoặc người bảo vệ quyền lợi của họ. Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe, ghi chép những điểm chính, quan trọng mà những người tham gia tố tụng trình bày. Các ý kiến này có thể đồng tình, có thể không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát, của người bào chữa cho bị cáo hoặc của bị cáo. Nếu họ không đồng tình thì vì sao? Các lập luận về việc không đồng tình. - Đối đáp tại phiên tòa. Điều 218 BLTTHS quy định về việc đối đáp. Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian đối đáp. Đại diện Viển kiểm sát là người thực hiện việc đối đáp trước. Kiểm sát viên phải trả lời các ý kiến của những người tham gia tố tụng về những vấn đề mà họ không đồng tình với kết luận của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Những người tham gia tố tụng có quyền đáp lại các ý kiến đối đáp của Viện kiểm sát. Việc tranh luận, đối đáp không chỉ giữa Viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng mà có thể có việc tranh luận, đối đáp giữa những người tham gia tố tụng với nhau. Ví dụ như giữa Luật sư bào chữa cho bị cáo với người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị hại; giữa người bị hại với bị cáo hoặc với người có nghĩa vụ liên quan; giữa người đại diện hợp pháp của bị cáo hoặc của người bị hại với Viện kiểm sát hoặc luật sư… Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Chẳng hạn khởi tố về vụ án cố ý gây thương tích, làm nhục..) thì sau khi Viện kiểm sát luận tội, người bị hại cũng có quyền được trình bày lời buộc tội. - Kết thúc phần tranh luận, Chủ tọa cho bị cáo nói lời sau cùng ( Điều 220 BLTTHS). Trong phần tranh luận cũng như phần này, Hội đồng xét xử không được đặt các câu hỏi. Chủ tọa phiên tòa có thể giải thích cho bị cáo về việc không nhắc lại những vấn đề đã được giải quyết trong xét hỏi, tranh luận, cũng không trình bày những vấn đề không liên quan đến vụ án. d. Nghị án và tuyên án + Nghị án: Điều 222 BLTTHS quy định “Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề. Cụ thể là các vấn đề sau đây: Qua việc xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa thì các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra hết chưa? Nếu đã thẩm tra, xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện rồi thì Hội đồng xét xử phải thảo luận: có sự việc phạm tội xảy ra hay không? Ai là người thực hiện hành vi đó; Hành vi ( hoặc các hành vi) này có cấu thành tội phạm không? có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo (hoặc các bị cáo) phạm tội không? nếu có tội thì căn cứ vào điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo; hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội. Những vấn đề nêu trên là cơ sở để Hội đồng xét xử thảo luận và quyết định hình phạt chính, hình phạt bổ sung, áp dụng các biện pháp tư pháp, giải quyết các vấn đề về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự; xử lý về vật chứng; quyết định về án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm. Việc nghị án phải lập thành biên bản và các thành viên của Hội đồng xét xử phải ký vào biên bản nghị án tại phòng nghị án trước khi tuyên án. + Tuyên án: Theo quy định tại Điều 226 BLTTHS thì khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên của Hội đồng xét xử đọc bản án. Nếu bản án quá dài thì các thành viên trong Hội đồng xét xử có thể thay nhau đọc bản án. Tùy từng trường hợp, Chủ tọa phiên tòa có thể cho phép những người tham dự phiên tòa được ngồi nghe tuyên án nhưng tất cả mọi người đều phải đứng dậy khi Tòa án tuyên án phần đầu của bản án. Bản án do chủ tọa phiên tòa dự thảo và được bổ sung theo kết quả tại phiên tòa. Khi tuyên án tại phiên tòa thì đó là bản án chính ( bản gốc) nên phải có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng xét xử. Sau khi tuyên án xong, Chủ tọa phiên tòa có thể giải thích cho bị cáo và những người tham gia tố tụng biết rõ hơn về quyền kháng cáo, quyền xin ân giảm án tử hình ( nếu tuyên án tử hình); giải thích về án treo nếu bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; giải thích cho bị cáo về cải tạo không giam giữ nếu Tòa án áp dụng hình phạt này đối với bị cáo… Nếu bị cáo không biết tiếng Việt Nam thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho bị cáo biết về toàn bộ bản án. Đây cũng là vấn đề khó thực hiện tại phiên tòa nếu như bản án đã tuyên dài, không đủ thời gian để người phiên dịch thực hiện việc dịch ngay tại phiên tòa. Nếu phải bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố các quyết định đó và cho thi hành ngay các quyết định này. đ) Trở lại việc xét hỏi: Các Điều 219, Điều 220 và Điều 223 của BLTTHS đều quy định việc trở lại việc xét hỏi. Do ý nghĩa quan trọng của xét hỏi mà Bộ luật hình sự quy định tới ba lần trở lại việc xét hỏi. Do vậy nếu trong phần tranh luận, phần bị cáo nói lời sau cùng và phần nghị án mà có những vấn đề chưa được làm rõ, thậm chí chưa được kiểm tra, xem xét tại phiên toà thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Ví dụ: Trong vụ án, mua bán người, sau khi xét hỏi và tranh luận thì người bị hại đề nghị Tòa án cần xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Nếu trong phần xét hỏi mà Hội đồng xét xử chưa xét hỏi gì về trách nhiệm dân sự thì Hội đồng xét xử phải trở lại phần xét hỏi về vấn đề này. Nếu Hội đồng xét xử không trở lại phần xét hỏi này thì Hội đồng xét xủ không được nghị án và tuyên án về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự và điều này có nghĩa là Hội đồng xét xử đã vi phạm Điều 28 BLTTHS. 3- Một số điều cần lưu ý: - Tội mua bán người là tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Các loại tội phạm này đang có xu hướng phát triển và gây bức xúc trong đời sống xã hội. Do đó, việc áp dụng hình phạt đối với loại tội này cần nghiêm minh, hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội nguy hiểm này. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng Điều 47 BLHS, đặc biệt là áp dụng Điều 60 BLHS phải hết sức thận trọng. - BLHS quy định nguyên tắc mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không được phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Bên cạnh đó, đối với mỗi trường hợp phạm tội cụ thể phải phân biệt tính chất, mức độ, động cơ, mục đích phạm tội và các tình tiết khác có liên quan để có đường lối xử lý phù hợp, cụ thể là: + Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. + Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. - Công dân Việt Nam nếu phạm tội MBN, MBTE ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại nước ngoài (nơi công dân Việt Nam phạm tội) theo quy định của luật pháp nước ngoài. - Người nước ngoài phạm tội MBN, MBTE trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam. Nếu các đối tượng thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. - Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (những tình tiết ngoài yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt của 2 điều trên): lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội đối với người lệ thuộc mình về vật chất, tinh thần; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của xã hội để phạm tội, xúi giục người chưa thành niên phạm tội; có hành động xảo quyệt hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm... - Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 46 BLHS): người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức; người phạm tội là phụ nữ có thai, người già; phạm tội do lạc hậu; người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã lập công chuộc tội... III. Mối quan hệ giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án về mua bán người Bộ luật tố tụng hình sự có những quy định cụ thể về mối quan hệ tố tụng giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Mối quan hệ tố tụng này xuyên suốt từ khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án đến khi Tòa án giải quyết, xét xử xong vụ án sơ thẩm (có thể còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự nói trên thì giữa Tòa án và Viện kiểm sát còn có những mối quan hệ phối hợp. Ví dụ như ở nhiều nơi vẫn tổ chức họp nội chính để bàn về việc giải quyết vụ án (họp ba ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Công an). Các cuộc họp này thường đặt dưới sự chủ trì của cấp ủy phụ trách nội chính. Những vướng mắc về chứng cứ, tội danh, diện truy tố vv… được bàn luận. Ở một khía cạnh nào đó thì có thể không thật chuẩn, nhưng dưới góc độ thực tiễn thì có hiệu quả trong việc giải quyết đúng đắn vụ án và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về việc trao đổi hoặc họp trù bị giữa các cơ quan hoặc bảo vệ pháp luật nhưng đây là một phương pháp làm việc cần thiết. Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp đã hướng dẫn về các phiên họp trù bị. Cụ thể là: Tòa án cần trao đổi với Viện kiểm sát trong một số trường hợp sau: + Khi Tòa án thấy cần trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, cần thay đổi tội danh nặng hơn hoặc áp dụng khung hình phạt nặng hơn; + Khi Tòa án thấy cần đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; + Khi cần nhập hoặc tách vụ án; + Khi cần chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết; + Khi chuẩn bị xét xử những vụ án trọng điểm hoặc vụ án phức tạp; + Các trường hợp cần thiết khác. Cho đến nay, liên ngành tư pháp trung ương chưa có văn bản nào khác để sửa đổi, bổ sung hoặc phủ định Thông tư liên ngành nói trên. Do đó, trong các vụ án về mua bán người đều là những vụ án tương đối phức tạp bởi tính chất của nó nên nếu thấy có vướng mắc về chứng cứ, về tội danh, về khung hình phạt hoặc đó là các vụ án được xác định là án điểm hoặc đưa ra xét xử lưu động thì Thẩm phán phải tùy theo mức độ của vướng mắc để cụ thể chủ động trao đổi với Kiểm sát viên, nếu là trường hợp phức tạp hơn thì phải báo cáo Chánh án để tổ chức cuộc họp trù bị. Cuộc họp trù bị thường diễn ra trước khi mở phiên tòa, nhưng cũng có thể đã mở phiên tòa nhưng diễn biến phức tạp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung vv… Đối với các vụ án về mua bán người thì những chứng cứ về việc mua bán, việc thu lợi là rất quan trọng. Tuy nhiên không phải vụ án nào cũng điều tra, thu thập đầy đủ những chứng cứ này. Ngoài ra các tình tiết định khung tăng nặng cũng là tình tiết rất quan trọng của vụ án mà không phải vụ án nào cũng xác định được rõ ràng, chính xác. Ví dụ như các tình tiết “có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp”, “động cơ đê hèn”… Mặt khác ngoài tội mua bán người, có thể bị cáo còn phạm các tội khác. Nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán thấy có căn cứ cho rằng bị cáo còn phạm các tội khác hoặc có đồng phạm, thì cần trao đổi hoặc tổ chức phức họp trù bị để việc xét xử không bỏ lọt tội phạm. IV. Một số vấn đề về bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người 1. Nạn nhân: Theo Điều 3 của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc thì nạn nhân của buôn bán người là người (phụ nữ, trẻ em, nam giới) bị những người phạm tội tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận vì mục đích bóc lột, bằng phương thức đe dọa, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với người khác. Riêng đối với trẻ em thì không cần tính đến các phương thức thực hiện của người phạm tội. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có khái niệm chính thức về nạn nhân của tội phạm mua bán người. Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về nước thì: nạn nhân được hiểu là phụ nữ, trẻ em bị một hay nhóm người sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay địa vị, tình trạng dễ bị tổn thương để mua bán (giao nhận tiền hoặc giao nhận một lợi ích vật chất khác) đưa ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng chế, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể). Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm này cũng không còn phù hợp vì nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn cả nam giới trong các vụ án mua bán người. Chính vì vậy, tại Điều 2 Luật phòng, chống mua bán người đã đưa ra khái niệm tại điểm 4 “Nạn nhận là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 của Luật này” Thực tiễn xét xử các vụ án về mua bán người hiện nay các Tòa án đều không sử dụng thuật ngữ “nạn nhân” bởi vì pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam không có khái niệm này. Thực chất nạn nhân trong các vụ án về mua bán người là người bị hại và họ được Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng là người bị hại. Điều 51 BLTTHS quy định “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”. Khi Tòa án đã xác định tư cách tham gia tố tụng của nạn nhân trong các vụ án về mua bán người thì Tòa án phải đảm bảo cho họ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nạn nhận chỉ có thể là thể nhân, con người cụ thể, không thể là pháp nhân. 2. Bảo vệ nạn nhân Bảo vệ nạn nhân là bảo vệ các quyền của con người, quyền công dân mà pháp luật quốc gia cũng như các điều ước Quốc tế đã quy định. Đó là đảm bảo an toàn về thân thể, danh dự, nhân phẩm, đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo được đền bù những tổn thất. Bảo vệ nạn nhân được thực hiện bởi: - Các quy định của pháp luật về nạn nhân: Các quy định của các văn bản dưới luật cụ thể hóa các quyền, lợi ích, nhu cầu thiết yếu của nạn nhân nhằm đảm bảo cho họ được an toàn về thân thể, tính mạng, các quy định về hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Ví dụ như Thông tư liên tịch số 113/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 03/8/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 116/2007 ngày 27/9/2007 của hai Bộ này về hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng. - Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự: Các Điều 7, Điều 18, Điều 28, Điều 51 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật lao động năm 2000 (các Điều 5, 111, 119); Bộ luật dân sự năm 2005: các Điều 604, 609, 610, 611, 612, quy định về những vấn đề cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mục 2 chương IV Luật phòng, chống mua bán người quy định về “Bảo vệ nạn nhân”... Lưu ý: Đối với nạn nhân có thể có một số hành vi vi phạm pháp luật do hậu quả của hành vi mua bán người như hoạt động mại dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. 3. Đặc điểm của nạn nhân trong các vụ án về mua bán người Xuất phát từ tính chất của tội phạm về mua bán người, mua bán trẻ em, nạn nhân trong các vụ án này thường bị mua bán để bóc lột thậm tệ. Bóc lột về tình dục, về sức lao động và bản thân họ không còn được coi là con người mà là một loại hàng hóa. Nạn nhân trong các vụ án này thường có các biểu hiện: - Mặc cảm, sợ hãi, không muốn tiết lộ hoặc để người khác biết về các bí mật hoặc cuộc sống tủi nhục trong quá khứ mà họ đã phải gánh chịu. Nạn nhân cũng không muốn nhắc lại những ký ức đau buồn mất mát. Do vậy, họ dễ bị tổn thương về tinh thần, mặc cảm tự coi mình là người không được ai tin tưởng, coi trọng. Nhiều trường hợp nạn nhân trở nên thờ ơ, lãnh đạm, không muốn tiếp xúc với người khác. - Từ những đặc điểm trên đã dẫn đến nạn nhân thường tự ty, thiếu niềm tin vào các cơ quan chức năng, thậm chí có thái độ hằn học, giận dữ, bất hợp tác với những người đang giúp đỡ, bảo vệ mình. - Nạn nhân là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm về mua bán người, bị các hành vi phạm tội của người phạm tội, xâm phạm trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe ở các mức độ khác nhau. Từ các đặc điểm nêu trên của nạn nhân trong các vụ án về mua bán người, đặt ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này là: + Phải động viên, an ủi, tạo được niềm tin của nạn nhân đối với những người thực thi pháp luật. Cần giải thích cho họ hiểu và biết rõ các quyền lợi và nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan nhằm giúp nạn nhân yên tâm, tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để nhanh chóng giải quyết đúng đắn vụ án. + Cần áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án, giúp cho nạn nhân không bị hoang mang, sợ vì bị trả thù bản thân và gia đình. + Trong quá trình lấy lời khai, xét hỏi tại phiên tòa phải tránh gợi lại những ký ức đau buồn mà họ đã phải trải qua tránh động chạm đến những vấn đề tế nhị, nhạy cảm, đảm bảo các bí mật đời tư không được thông tin rộng rãi. Việc tuyên truyền về vụ án cũng phải có sự cân nhắc cẩn thận về danh phận của nạn nhân. Nếu nạn nhân không đồng ý thì không được chụp ảnh, ghi hình hoặc có các thông tin cụ thể về họ trên báo chí. - Đối với các vụ án mà nạn nhân là trẻ em, việc lấy lời khai và xét hỏi tại phiên tòa phải đảm bảo sự có mặt của người đại diện hợp pháp của họ. Trong quá trình xét xử vụ án, nếu gia đình nạn nhân (người đại diện hợp pháp) có yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con em mình, thì Tòa án phải hướng dẫn họ liên hệ với các văn phòng trợ giúp pháp lý để cử người bảo vệ cho con em họ. Các dịch vụ này được hoàn toàn miễn phí theo quy định của pháp luật. 4. Bảo vệ nạn nhân của Tòa án - Tòa án cũng phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, các thông tin cá nhân của nạn nhân. Nạn nhân không phân biệt là nam, nữ, quốc tịch đều được Tòa án bảo vệ bằng việc thực hiện các quy định của pháp luật. - Để đảm bảo giữ bí mật về đời tư của nạn nhân, khi có yêu cầu của họ, Tòa án có thể áp dụng Điều 18 BLTTHS để xét xử kín. Điều 7 Luật báo chí cũng quy định: “Đối với những vụ án đang điều tra, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền đăng tin theo nguồn tài liệu của mình”. - Tòa án bảo vệ nạn nhân bằng việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bản án đúng đắn đối với người phạm tội cũng chính là sự thể hiện của việc bảo vệ quyền của nạn nhân. - Tòa án phải xem xét và quyết định đúng về yêu cầu bồi thường thiệt hại của nạn nhân. Khi xét xử, Tòa án cần nghiên cứu và thực hiện đúng các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể là: + Công văn số 121/2003 ngày 19/3/2003 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự; + Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án phải giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại, các yêu cầu đó là: - Đòi trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt; - Đòi bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt nhưng đã bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại; - Đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, hủy hoại hoặc hư hỏng: - Đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; - Đòi bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có thể phân chia thành hai loại: + Loại có liên quan tới trách nhiệm hình sự của người phạm tội (liên quan đến yếu tố định tội, định khung hình phạt, xác định tình tiết tăng nặng, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). + Loại không liên quan tới trách nhiệm hình sự của người phạm tội,(tiền chi phí cứu chữa nạn nhân, tiền mai táng, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tiền mất thu nhập, tiền trợ cấp cho người mà nạn nhân khi còn sống phải có trách nhiệm cấp dưỡng, tiền tổn thất về tinh thần…). - Một số vấn đề về bảo vệ nạn nhân khác của Tòa án: Để làm tốt việc bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người, Tòa án cần chú ý đến công tác bảo vệ trật tự, an toàn tại phiên tòa. Nếu xét thấy cần thiết, Tòa án có thể cách ly người bị hại (nạn nhân) hoặc có thể xét xử trực tuyến mà không cần thiết phải có mặt trực tiếp của nạn nhân tại phiên tòa. Việc bố trí chỗ ngồi trong phòng xét xử cũng cần phải cân nhắc thận trọng để tránh sự đe dọa của bị cáo, người nhà bị cáo hoặc các đối tượng khác đến dự phiên tòa. Sau khi xét xử xong, nếu xét thấy có những biểu hiện gây rối hoặc hành hung nạn nhân thì Tòa án cần phối hợp với lực lượng bảo vệ phiên tòa đảm bảo an toàn cho họ. - Các bản án, quyết định của Tòa án cần phải phát hành nhanh, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì cần hoàn chỉnh ngay hồ sơ kháng cáo để chuyển Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết. - Khi bản án có hiệu lực pháp luật, cần khẩn trương ra quyết định thi hành án hình sự hoặc chuyển bản án để cơ quan thi hành án dân sự sớm thi hành phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. - Việc xem xét đề nghị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội mua bán người, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trong đó cần chú ý đến tình tiết của người bị kết án đã thực hiện đầy đủ quyết định của Tòa án về bồi thường thiệt hại, tiền phạt và các hình phạt bổ sung khác chưa. Tóm lại: Bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án về mua bán người là một yêu cầu, một quy định của pháp luật, vừa mang tính nhân đạo cao cả của chế độ xã hội đối với nạn nhân bị mua bán. Tuy vậy vấn đề bảo vệ nạn nhân cũng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng quan tâm đúng mức. Do đó, cần có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này để đảm bảo thực hiện tốt việc bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người trong tình hình hiện nay. 
                                                                                                                                 Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: