Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Một số ý kiến đối với Dự thảo Phần chung của Bộ luật hình sự sửa đổi (Phần II)


17. Điều 32. Các hình phạt đối với cá nhân Đối với hệ thống hình phạt không có gì thay đổi so với Điều 28 BLHS hiện hành. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị sửa đổi về một số quy định của hình phạt; cụ thể 
là: Một là, đề nghị bỏ hình phạt trục xuất là hình phạt chính vì cho rằng khi quy định trục xuất là hình phạt chính thì Tòa án không xử lý nghiêm những trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam. Trục xuất chỉ có ý nghĩa “đẩy đuổi” nên không nghiêm và tạo ra sự không công bằng. Chúng tôi cho rằng không phải việc quy định trục xuất là hình phạt chính đã làm cho các Tòa án xét xử không nghiêm đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam. Thực tế, đã có rất nhiều vụ án có bị cáo mang quốc tịch nước ngoài bị Tòa án Việt Nam xử phạt các mức án nghiêm khắc (tử hình, chung thân) về các tội đặc biệt nghiêm trọng (tội mua bán trái phép chất ma túy…) và cũng không ít người nước ngoài đang phải chấp hành hình phạt tù tại các Trại giam của Việt Nam. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính đối với những trường hợp xét thấy không cần áp dụng hình phạt khác hoặc vì lý do chính trị. Nếu bỏ hình phạt trục xuất là hình phạt chính thì bắt buộc Tòa án phải áp dụng một hình phạt chính nào đó để áp dụng hoặc phải tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc áp dụng trong nhiều trường hợp sẽ rất gò ép, miễn cưỡng, thiếu đi sự linh hoạt. Hơn nữa, thực tiễn áp dụng cũng không có vướng mắc gì lớn trong trường hợp này. Do đó, chúng tôi cho rằng không nên bỏ hình phạt trục xuất là hình phạt chính. Hai là, có ý kiến đề nghị nên bổ sung hình phạt “tù chung thân không giảm án” nhằm áp dụng đối với những trường hợp lẽ ra phải áp dụng hình phạt tử hình nhưng không áp dụng hình phạt này. Ý kiến này cũng cho rằng như vậy sẽ giảm bớt được việc áp dụng hình phạt tử hình có trong xét xử và thì hành án. Chúng tôi băn khoăn đối với quan điểm này vì nếu một người bị áp dụng hình phạt này tuy còn quyền sống nhưng sống trong một “đường hầm” không bao giờ nhìn thấy “ánh sáng”. Không bao giờ còn hy vọng ngày trở về thì cuộc sống đó, quyền sống đó có thể lại là không nhân đạo và ý nghĩa của việc giáo dục của hình phạt sẽ không còn. Do đó, chúng tôi không đồng tình với việc bổ sung hình phạt “tù chung thân không giảm án”. Ba là, cũng có ý kiến đề nghị bỏ hình phạt trục xuất trong hình phạt bổ sung vì cho rằng sẽ vướng mắc khi người nước ngoài chấp hành xong hình phạt chính, họ bị áp dụng hình phạt trục xuất thì nếu họ còn phải thi hành các quyết định khác của bản án như phạt tiền, bồi thường thiệt hại…. thì sẽ không thi hành được. Vướng mắc này cũng tương tự như khi Tòa án áp dụng trục xuất là hình phạt chính mà thôi. Tuy nhiên, những trường hợp trên nếu có xảy ra cũng không nhiều và có thể xử lý bằng việc yêu cầu cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam tại nước ngoài nếu Việt Nam và nước sở tại có các Hiệp định về tương trợ tư pháp. Việc quy định trục xuất là hình phạt bổ sung là cần thiết để Tòa án vừa có thể áp dụng hình phạt chính nghiêm khắc vừa áp dụng được hình phạt bổ sung là trục xuất. 18. Điều 35. Phạt tiền Khoản 4 của Điều luật này quy định. “4. Khi tuyên hình phạt tiền, Tòa án phải tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành. Không áp dụng quy định này đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu”. Đây là một quy định mới, có nhiều ý kiến khác nhau và cũng có nhiều vướng mắc nếu áp dụng quy định này. Cụ thể là: Một là, theo quy định của điều luật thì Tòa án cân nhắc mức phạt tù có thời hạn trong khung hình phạt đã áp dụng để tuyên hình phạt tiền. Quy định này chỉ đúng khi khung hình phạt có hình phạt tù có thời hạn và sẽ không đúng, không có căn cứ khi có rất nhiều khung hình phạt (cấu thành cơ bản) không quy định hình phạt tù có thời hạn mà chỉ quy định hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ. Hai là, hình phạt tiền là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn, nếu chỉ vì không thi hành được hình phạt tiền mà phải chuyển sang hình phạt tù thì sẽ làm nặng hơn cho người bị kết án, nhất là khung hình phạt mà Tòa án đã áp dụng không có hình phạt tù. Ba là, mức hình phạt tù, mức hình phạt tiền ở các khung hình phạt của các tội khác nhau, việc quy đổi, “cân nhắc” giữa phạt tù và phạt tiền sẽ rất khác nhau. Có thể ở tội này, trong khung hình phạt này 02 năm tù tương đương với số tiền này, nhưng ở tội khác, khung hình phạt khác thì 02 năm tù lại có thể tương đương với số tiền khác. Điều này sẽ tạo ra sự không công bằng trong áp dụng hình phạt tù và hình phạt tiền giữa các tội phạm. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề nghị: - Cần quy định trong Điều luật này mức phạt tiền là hình phạt chính thấp nhất và cao nhất (như quy định của hình phạt tù có thời hạn); - Cần có quy định về “mức trần”, tức là một ngày tù thì tương đương với bao nhiêu tiền (để tính được thu nhập trung bình của ngày công lao động thì nên lấy quy định mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định để chia cho 30 ngày). Bốn là, để chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù thì Tòa án phải tuyên trong bản án hai loại hình phạt là hình phạt tiền và hình phạt tù có thời hạn; đồng thời, cũng phải tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tiền là 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và nếu cố tình không chấp hành thì phải chấp hành thời gian (tháng, năm) hình phạt tù và nên quy định không dưới 03 tháng tù. Năm là, nếu người bị kết án không thi hành được hình phạt tiền trong thời gian luật định thì cơ quan thi hành án dân sự phải trả lại bản án cho Tòa án để Tòa án ra quyết định thi hành hình phạt tù. Cơ quan thi hành án phải nêu rõ được lý do người bị kết án không thi hành hình phạt tiền vì đó là căn cứ để Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù. Sáu là, xã hội sẽ phải giải quyết vấn đề: người có tiền thì không phải đi tù, người không có tiền thì phải đi tù. Để không phải đi tù, sẽ không ít người bị kết án và gia đình của họ sẽ phải vay mượn, bán hết tài sản, nhà cửa, đất đai để nộp tiền thi hành án và họ sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói kéo dài. Đây là một quy định mới, còn có nhiều quan điểm khác nhau nên tuy quy định có thể thể hiện tốt xu hướng tăng cường hình phạt tiền, giảm bớt hình phạt tù nhưng tính khả thi sẽ không cao. Do đó, cần cân nhắc thận trọng hơn về quy định, nhất là việc giải quyết triệt để những vướng mắc mà chúng tôi nêu trên. 19. Điều 37. Tù có thời hạn - Khoản 1 bổ sung thêm quy định “Trường hợp phạm nhiều tội thì mức tối đa của tù có thời hạn là 30 năm”. Chúng tôi cho rằng không nên quy định vấn đề này ở trong khoản 1 của Điều luật này vì đây là quy định của “tổng hợp hình phạt” mà “tổng hợp hình phạt” thì không chỉ trong trường hợp phạm nhiều tội mà còn cả trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 54 và 55 Dự thảo BLHS). Tù có thời hạn quy định tại Điều luật này chỉ nên quy định hình phạttù có thời hạn đối với một tội và mức hình phạt đó là 20 năm. - Khoản 2 quy định “Không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý”. Chúng tôi đồng tình với quy định này nhưng để chặt chẽ và chính xác thì cần sửa lại như sau: “ Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý”. 20. Điều 39. Tử hình Chính sách hình sự hiện nay là hướng thiện, giảm bớt hình phạt tù, hình phạt tử hình trong cả quy định, hạn chế việc áp dụng và thi hành án, đồng thời tăng cường áp dụng hình phạt tiền và các hình phạt khác không phải là hình phạt tù. Thực hiện định hướng này, Dự thảo đã bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh và giảm bớt các tình tiết định khung tăng nặng có hình phạt tử hình (ví dụ Điều 93 BLHS hiện hành quy định 16 tình tiết định khung có hình phạt tử hình thì Dự thảo chỉ quy định 08 tình tiết). - Tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tuy nhiên, để giảm bớt việc áp dụng hình phạt này, Điều luật cũng quy định chặt chẽ hơn những điều kiện, trường hợp có thể bị áp dụng hình phạt tử hình. Đó là: khoản 1 của Điều luật quy định áp dụng hình phạt tử hình khi đủ hai điều kiện: “a) Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này hoặc luật khác quy định”. b) Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng”. Về quy định tại khoản 1, chúng tôi đề nghị bỏ quy định “có tính chất côn đồ” ở điểm b vì tình tiết này không còn quy định trong một số khung hình phạt có tử hình (ví dụ khoản 3 Điều 121 tội giết người). Sở dĩ điểm a khoản 1 quy định “do Bộ luật này hoặc luật khác quy định” là do BLHS sửa đổi dự kiến sẽ mở rộng nguồn của BLHS. Tội phạm và hình phạt có thể được quy định ở các Luật chuyên ngành. Vấn đề này chúng tôi sẽ có ý kiến như sau, nhưng dù có mở rộng nguồn thì theo chúng tôi cũng không nên để các Luật khác quy định hình phạt tử hình vì đây là một hình phạt đặc biệt và chỉ nên quy định trong BLHS. - Khoản 2 của Điều luật này bổ sung trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội. Ý kiến không đồng tình vì cho rằng người 70 tuổi còn khỏe và nếu quy định như vậy có thể dẫn tới việc bị lợi dụng để phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Ý kiến đồng tình với quan điểm này lập luận là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên cả trong xét xử và thi hành án là quy định nhân đạo, thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay là giảm cả việc áp dụng và thi hành án tử hình. Quỹ thời gian còn lại của người trên 70 tuổi không còn nhiều, khi đã bị bắt giữ thì tính nguy hiểm của họ không cao nữa. Do vậy, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình với họ. Có ý kiến đồng tình với quy định này nhưng đề nghị tăng mức tuổi lên 80 vì độ tuổi này theo Luật người cao tuổi thì họ được Nhà nước cho hưởng phụ cấp người cao tuổi. Thực tiễn xét xử và thi hành án hầu như chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi. Do vậy, nếu nâng độ tuổi lên 80 tuổi là không phù hợp với thực tiễn. Do đó, chúng tôi đồng tình với dự thảo về quy định này. - Điểm c khoản 3 của Điều luật quy định: “c) Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Quy định “chủ động khắc phục hậu qủa của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất ½ số tiền, tài sản do phạm tội mà có” là một quy định mới nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các tội phạm kinh tế và tội phạm về tham nhũng. Xung quanh quy định mới này, có nhiều ý kiến khác nhau; cụ thể như sau: Một là: cách thể hiện của Điều luật không rõ ràng, nếu quy định như điều luật thì dễ được hiểu là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đã bị Tòa án xử phạt tử hình nhưng chủ động khắc phục hậu quả là không bị thi hành án tử hình. Chẳng hạn một người phạm tội giết người, bị buộc bồi thường thiệt hại 100 triệu đồng. Đã chủ động nộp 100 triệu hoặc ½ là 50 triệu đồng thì được thôi không thi hành án tử hình. Hoặc người tham ô 10 tỷ đồng chỉ cần tự nguyện nộp 5 tỷ đồng cũng đã được hưởng quy định này. Theo chúng tôi, thu hồi tiền, tài sản là cần thiết nhưng không phải là mục tiêu duy nhất của Nhà nước và cũng không phải là nguyện vọng duy nhất của nhân dân. Quy định này được hiểu là dùng tiền để “mua” mạng sống và mục đích của hình phạt tử hình không còn đúng nghĩa. Chúng tôi cho rằng dư luận sẽ không đồng tình với quy định này, nhất là trong tình hình hiện nay đang đặt ra yêu cầu chống quốc nạn tham nhũng. Quy định này sẽ làm “nới lỏng” hơn biện pháp đấu tranh tội phạm nêu trên vốn đã kém hiệu quả này. Do vậy, chúng tôi đề nghị bỏ quy định này trong điều luật. 21. Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh. Bắt buộc chữa bệnh là một quy định nhân đạo đối với người phạm tội bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi sau khi họ thực hiện tội phạm. Dự thảo quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Vấn đề này có hai quan điểm khác nhau. - Quan điểm đồng tình với quy định cho rằng: người bị bắt buộc chữa bệnh vẫn phải chịu sự quản chế của cơ sở giam giữ vì họ bị cưỡng chế chữa bệnh nên thời gian cưỡng chế này được coi như đang chấp hành hình phạt tù. Điều này cũng tương tự như trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù bị ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh xá hoặc bệnh viện, dù thời gian ngắn hay dài thì họ vẫn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Mặt khác, việc người bị chấp hành hình phạt bị bệnh là nguyên nhân khách quan chứ không phải là chủ quan. - Quan điểm không đồng tình cho rằng: giả sử người bị bắt buộc chữa bệnh phải điều trị trong suốt thời hạn chấp hành hình phạt tù mà được trừ thì có nghĩa là họ không phải chấp hành hình phạt. Như vậy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với họ trở nên vô nghĩa. Mặt khác quy định này làm nảy sinh tiêu cực trong việc “mua” kết quả giám định để trốn tránh việc chấp hành bản án. Chúng tôi đồng tình với quan điểm được trừ thời gian chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Việc có thể phát sinh tiêu cực có thể có nhưng đó là việc quản lý của Nhà nước và sẽ được xử lý bằng các chế tài khác của Nhà nước; chúng ta không thể vì hiện tượng này mà loại bỏ quy định rất nhân đạo này. Mặt khác tuy bản án không được thực hiện đối với người phạm tội nhưng không phải là hoàn toàn vô nghĩa nếu xét ở góc độ phòng ngừa chung. 22. Điều 50. Căn cứ quyết định hình phạt Trong thực tiễn xét xử thì động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cũng được các Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt, ngoài những căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 BLHS hiện hành. Ví dụ: Hai người cùng trộm cắp tài sản như nhau, các tình tiết về nhân thân hoặc các tình tiết khác như nhau, nhưng một người trộm cắp để đánh bạc, nghiện hút, con người kia về quẫn bách không có tiền đề mua thuốc cấp cứu cho vợ, con nên trộm cắp. Việc xử lý đối với hai trường hợp này trong thực tế là khác nhau. Khi quyết định hình phạt, bản án sẽ lập luận về hoàn cảnh, động cơ của người phạm tội trong hoàn cảnh quẫn bách để giảm nhẹ hình phạt cho họ và sẽ không giảm nhẹ cho trường hợp kia. Do đó, chúng tôi đề nghị cần bổ sung vào Điều 50 Dự thảo BLHS căn cứ để quyết định hình phạt là “động cơ, hoàn cảnh, mục đích phạm tội”. 23. Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Chúng tôi đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 51 BLHS một tình tiết giảm nhẹ là: “… Người phạm tội là cha, mẹ, vợ con của Liệt sỹ, người có công với cách mạng”, vì các lý do như sau: - Mặc dù Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có hướng dẫn đây là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS hiện hành. Tức là tình tiết giảm nhẹ này không có giá trị bằng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 vì nếu có tình tiết này ở khoản 2 mà chỉ có một tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 thì người phạm tội cũng không được hưởng quy định “xử dưới khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn” quy định tại Điều 47 BLHS hiện hành. Ví dụ: Hai người có nhân thân như nhau, phạm tội như nhau và đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Người không phải là thân nhân liệt sỹ nộp bồi thường 1.000.000 đồng. Người là con liệt sỹ không bồi thường số tiền này. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người không phải con liệt sỹ có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS hiện hành và họ có đủ điều kiện để Tòa án áp dụng xử dưới khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn. Ngược lại, người là con liệt sỹ chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và tình tiết là con liệt sỹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS sẽ không đủ điều kiện để được xử dưới khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn. Như vậy, trong trường hợp này, 1.000.000 đồng tiền bồi thường là tình tiết giảm nhẹ có giá trị pháp lý cao hơn tình tiết “bị cáo có cha, mẹ, vợ con là liệt sỹ, Người có công với nước” là điều không thể chấp nhận được nhưng các Tòa án lại không thể làm trái quy định của pháp luật. Chúng tôi cho rằng quy định này đã không thể hiện đúng truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta và cũng không thể hiện đúng sự đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. - Theo quy định tại Điều 63 Dự thảo BLHS về “tha tù trước thời hạn có điều kiện” thì “Người phạm tội là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng thì thời gian đã chấp hành hình phạt tù giảm xuống 1/3 và 12 năm với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn”. Như vậy, cùng chính sách ưu đãi (chính sách hình sự đối với người có công với cách mạng), nhưng thể hiện không nhất quán ngay trong BLHS. Người phạm tội thuộc đối tượng ưu đãi chỉ được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt mà không được xem xét giảm nhẹ mức hình phạt khi xét xử. Đó là điều không hợp lý. Từ những lập luận trên, chúng tôi đề nghị cần bổ sung tình tiết giảm nhẹ nêu trên trong khoản 1 Điều 51 BLHS sửa đổi. 24. Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Chúng tôi đề nghị: - Bổ sung vào điểm i khoản 1 Điều 52 của Dự thảo BLHS tình tiết phạm tội đối với người khuyết tật nặng. Cụ thể là: “i) Phạm tội đối với người mà biết là trẻ em, phụ nữ đang có thai, người từ 70 tuổi trở lên, người trong tình trạng không thể tự vệ được, người bị hạn chế khả năng nhận thức, người khuyết tật nặng hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”. - Bổ sung thêm một điểm vào khoản 1 Điều 52 của Dự thảo: “…., Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật nặng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội”. Đây là quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 và là một quy định cấm. Mặt khác, cũng cần có quy định “không được coi những tình tiết khác là tình tiết tăng nặng” nhằm bảo đảm không được tùy tiện khi áp dụng. 25. Điều 64. Miễn chấp hành hình phạt tù còn lại có điều kiện. Đây là một quy định rất mới, mở rộng khả năng, cơ hội cho những người đang chấp hành hình phạt tù sớm được trở về hòa nhập cùng cộng đồng. Quy định này đã cụ thể chính sách hình sự giảm áp dụng hình phạt tù trong xét xử và trong thi hành án. Các điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn là chặt chẽ cả trong việc xét và cả trong thời gian họ đã trở về. Người được tha tù trước thời hạn phải chấp hành một thời gian thử thách bằng thời gian hình phạt tù còn lại (thời gian đã được xét tha trước thời hạn), đồng thời họ còn phải thực hiện 5 nghĩa vụ quy định tại khoản 3 của Điều luật này. Trong thời gian thử thách, nếu người được tha tù trước thời gian vi phạm nghĩa vụ hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên thì Tòa án sẽ hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn và buộc họ phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù còn lại đã được tha trước thời hạn. Tuy nhiên, quy định này cũng có vướng mắc với chế định đặc xá. Người được đặc xá không phải chịu bất cứ nghĩa vụ nào sau khi họ trở về địa phương. Nếu việc xét tha tù trước thời hạn lại trùng với thời gian xét đặc xá thì người được tha tù trước thời hạn sẽ bất lợi hơn nếu họ được đặc xá. Do đó, chúng tôi cho rằng nên bổ sung vào điều luật này quy định “Người được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại có điều kiện đồng ý áp dụng biện pháp này”. 26. Điều 69. Xóa án tích Chúng tôi đồng tình với quy định mới tại khoản 3 Điều luật này: “3. Người được miễn hình phạt, người bị kết án về một tội do lỗi vô ý không bị coi là có án tích.”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị bổ sung thêm trường hợp người đã bị kết án về một tội nhưng tội đó đã bị phi tội phạm. Quy đinh mới này sẽ làm thay đổi quy định về tái phạm. Người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý không phải là tái phạm. 27. Điều 70. Điều kiện được xóa án tích - Một thuật ngữ mới được sử dụng trong Điều luật này là “không bị kết án về tội phạm mới bằng bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Thuật ngữ này thay cho thuật ngữ “phạm tội mới”. Như vậy, một người đang bị bắt, bị khởi tố, thậm trí đã bị Tòa án xét xử bằng một bản án chưa có hiệu lực pháp luật cũng có thể được Toà án, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp xác nhận họ không có án tích. Có lẽ trong trường hợp này không ai dám xác nhận họ không có án tích vì chưa có bản án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù Luật quy định: “Một người chỉ bị coi là phạm tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Nếu quy định như điều luật sẽ không thể thực hiện được trong thực tiễn. Theo chúng tôi, những trường hợp bị bắt, tạm giam, bị truy tố, bị xét xử (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) thì việc cấp chứng nhận xóa án tích hoặc phiếu lý lịch tư pháp nên tạm dừng lại cho đến khi bản án, quyết định đối với họ đã có hiệu lực pháp luật. Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị giữ nguyên thuật ngữ “không phạm tội mới” như BLHS hiện hành đã quy định. - Về việc chấp hành xong hình phạt bổ sung: Xu hướng giảm bớt đi thời hạn được xóa án tích để người đã bị kết án sớm có cơ hội hòa nhập thật sự vào xã hội là một xu hướng tiến bộ. Tuy nhiên, nếu luật quy định họ chỉ được xem là đương nhiên xóa án tích khi đã thực hiện đầy đủ các điều kiện như “chấp hành xong hình phạt chính hoặc án treo, chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án…”. Theo chúng tôi, không nên quá khắt khe khi quy định người đã bị kết án phải “chấp hành xong hình phạt bổ sung” vì sẽ kéo dài thêm thời hạn được xóa án tích của họ. Ví dụ: một người bị phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế thì sau khi chấp hành xong hình phạt, họ phải đợi 5 năm sau khi ra tù mới có thể được xóa án tích. Với các lập luận trên, chúng tôi đề nghị giữ nguyên tinh thần của quy định “đương nhiên xóa án tích” của BLHS hiện hành và chỉ cần bổ sung trách nhiệm của Tòa án khi đương sự có yêu cầu được xóa án tích, đồng thời không cần thiết phải quy định về điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung quy định tại Điều 67 BLHS hiện hành. 28. Về mở rộng nguồn của BLHS. BLHS sửa đổi có dự kiến mở rộng nguồn của BLHS. Về vấn đề này có hai quan điểm: - Quan điểm đồng tình cho rằng đó là một đòi hỏi bức thiết của thực tiễn áp dụng pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ căn cứ vào quy định của BLHS mà còn căn cứ vào quy định của Luật chuyên ngành để chứng minh tội phạm. Do vậy, để linh hoạt trong đấu tranh phòng chống tội phạm thì việc mở rộng nguồn của BLHS theo nguyên tắc “một luật sửa nhiều luật” là cần thiết. - Quan điểm không đồng tình cho rằng: BLHS là một bộ luật rất lớn, rất quan trọng nên rất cần có tính ổn định, thống nhất trong hệ thống pháp luật. BLHS phải thể hiện tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện hoặc áp dụng. Tội phạm và hình phạt phải nên, nhất thiết chỉ được quy định trong BLHS. Nếu tội phạm và hình phạt được quy định trong các Luật chuyên ngành sẽ tạo ra khả năng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và hết sức rắc rối trong thực hiện và áp dụng. Nếu cho rằng Luật chuyên ngành sẽ linh hoạt hơn trong việc sửa đổi, bổ sung BLHS thì BLHS sẽ luôn trong tình trạng sửa đổi, bổ sung bất cứ lúc nào. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, trong tình hình hiện nay, không nên mở rộng nguồn BLHS. 29. Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống rửa tiền. Theo đó, chúng ta phải nội luật hóa các hành vi phạm tội của pháp nhân. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề đã đặt ra từ khi xây dựng BLHS năm 1999 nhưng không được Quốc hội chấp thuận. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân tiếp tục được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS lần này và cũng không có sự đồng thuận cao ngay trong tổ chuyên gia, Ban soạn thảo. Theo chúng tôi, không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS vì những lý do sau đây: Một là: chúng ta đã có hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự. Các chế tài của hành chính cũng đã rất nghiêm khắc, phạt tiền hoặc cao hơn là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Các biện pháp này cơ bản đã đảm bảo việc xử lý vi phạm và là sự thể hiện việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên. Việc thực hiện chưa tốt những quy định của pháp luật hành chính, pháp luật dân sự là sự yếu kém của khâu tổ chức thực hiện chứ không phải là do thiếu cơ sở pháp lý. Hai là: việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ phá vỡ các nguyên tắc cơ bản mà pháp luật hình sự, trong đó có nguyên tắc trách nhiệm hình sự cá nhân, hình phạt chỉ áp dụng với cá nhân chứ không áp dụng với pháp nhân. Ba là: việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là trong trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn của pháp nhân thì việc giải quyết đối với người lao động bị thất nghiệp như thế nào là một vấn đề rất lớn cần phải được giải quyết. Bốn là: việc phân biệt trách nhiệm hình sự của pháp nhân với cá nhân không phải đơn giản và còn nhiều ý kiến khác nhau khi xác định trách nhiệm hình sự của cá nhân nếu họ thực hiện chủ trương của pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân hết sức quan trọng, vừa tránh không xử oan, đồng thời cũng phải ngăn chặn được việc cá nhân núp dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội. Năm là: Dự thảo BLTTHS mới nhất cũng không hề đề cập đến vấn đề pháp nhân. Chủ thể tham gia tố tụng, thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân… đều không được quy định. Sáu là: ngay trong khái niệm pháp nhân là đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng còn chưa rõ, chưa có sự thống nhất. Thực tế, các tổ chức kinh tế ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Ngành nào, hội nào, lực lượng nào cũng làm kinh tế. Vậy pháp nhân kinh tế trong quân đội, trong Công an, trong Công đoàn hoặc các tổ chức Chính trị - xã hội khác có phải là đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Nếu luật không quy định rõ sẽ có thể dẫn tới sự bất bình đẳng trong xử lý. Bảy là: Dự thảo quy định pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với 15 tội cụ thể quy định trong BLHS. Một số hành vi vi phạm các quy định khác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, điều này cũng dẫn đến sự mất công bằng trong xử lý. 30. Về quy định “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội cùng loại, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” trong một số điều luật. Chúng tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này như sau: Một là: Các quy định này được coi là dấu hiệu định tội trong nhiều tội phạm được quy định trong phần các tội phạm. Đây là dấu hiệu về nhân thân người vi phạm. Lấy dấu hiệu nhân thân, quá khứ vi phạm hành chính hoặc vi phạm hình sự để định tội chính là xử lý hai lần đối với một hành vi phạm tội nên không phù hợp với Hiến pháp. Pháp luật hình sự xử lý hành vi phạm tội chứ không nên xử lý tội phạm từ nhân thân. Hai là: xử phạt hành chính là biện pháp xử lý nhẹ hơn việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính vì theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì một người nào đó chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc bắt buộc chữa bệnh khi họ đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần mà không sửa chữa, không tiến bộ. Như vậy, nếu luật quy định “đã bị xử phạt hành chính” tức là đã mở quá rộng đối tượng bị xử lý hình sự. Chúng tôi đề nghị trong tình hình hiện nay nếu giữ lại quy định này thì Luật chỉ nên quy định trường hợp đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà còn vi phạm thay cho quy định đã bị xử phạt hành chính như quy định hiện hành ở nhiều tội phạm trong phần tội phạm. Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về phần chung của dự thảo BLHS sửa đổi. Chúng tôi hy vọng đó là những đóng góp có ý nghĩa tham khảo để Ban biên tập, các chuyên gia, Ban soạn thảo và các đồng nghiệp cùng nghiên cứu nhằm xây dựng BLHS Việt Nam hoàn chỉnh hơn.
                                                                                                                            Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: