Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Một số ý kiến đối với Dự thảo Phần chung của Bộ luật hình sự sửa đổi (Phần I)


BLHS đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội vì các quy định của BLHS là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền 
con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, thông qua tổng kết thực tiễn thi hành BLHS năm 1999, qua nhiều lần sửa đổi, chỉnh lý, Dự thảo BLHS sửa đổi đã ra đời với 441 điều, tăng 87 điều so với BLHS hiện hành; chỉ có 8 điều được giữ nguyên, còn lại đều được sửa đổi, bổ sung; trong đó, hầu hết phần các tội phạm đều được sửa về kỹ thuật; cụ thể là sửa từ chữ sang số (ví dụ như từ “ba năm tù” thành “03 năm tù”). Sau khi nghiên cứu Dự thảo, chúng tôi nhận thấy còn nhiều quy định phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện và cũng còn không ít những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề trong cả phần chung và phần các tội phạm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến về Phần chung của Dự thảo BLHS sửa đổi. Cụ thể như sau: 1. Điều 1: Nhiệm vụ của BLHS “Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”. So với Điều 1 BLHS hiện hành thì Điều 1 của Dự thảo đã đưa nhiệm vụ bảo vệ “lợi ích của Nhà nước” xuống sau nhiệm vụ bảo vệ “quyền con người” và không sửa hai cụm từ trùng lặp trong cùng một điều luật là “ chống mọi hành vi phạm tội” và “ chống tôi phạm”. Theo chúng tôi, việc sửa như trên là không phù hợp bởi vì: - Một là, khoản 1 Điều 11 Hiến pháp quy định: “1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. Điều này có nghĩa là Tổ quốc là trên hết. Lợi ích của Tổ quốc, của đất nước, của Nhà nước Việt Nam XHCN phải luôn đặt trên lợi ích cá nhân. Do vậy, nếu đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của Tổ quốc là không đúng. - Hai là, quyền con người và quyền cá nhân xét về bản chất đều là quyền con người nhưng quyền con người và quyền công dân lại khác nhau bởi địa vị pháp lý. Công dân có những quyền mà con người có thể không có. Chẳng hạn các quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân… Như vậy trong Điều 1 của Dự thảo đã không phân biệt việc bảo vệ công dân của mình như một nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước. Nhà nước của chúng ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (Điều 2 Hiến pháp năm 2013) thì việc bảo vệ quyền công dân không thể không đặt ra trong nhiệm vụ của BLHS. - Ba là, xét về bản chất thì “mọi hành vi phạm tội” bị chống cũng chính là chống tội phạm. Đấu tranh phòng ngừa và chống mọi hành vi phạm tội cũng là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Với các phân tích nêu trên, chúng tôi xin đề xuất sửa Điều 1 Dự thảo BLHS như sau:“ Điều 1. Nhiệm vụ của BLHS BLHS có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền an ninh của đất nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc; bảo vệ trật tự pháp luật, đấu tranh phòng chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục ý thức tuân theo pháp luật của mọi người”. Cũng có quan điểm cho rằng nên bỏ Điều 1 vì đây chỉ có ý nghĩa “tuyên ngôn”. Chúng tôi cho rằng cần phải quy định rõ nhiêm vụ của BLHS trong Điều 1 vì đây là định hướng của cả quá trình xây dựng BLHS trong phần các tội phạm. 2. Điều 3. Nguyên tắc xử lý - Một là: Khoản 3 quy định “Đối với người phạm tội lần đầu, đã hối cải thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt mà điều luật quy định”. So với khoản 3 Điều 3 BLHS hiện hành thì khoản 3 Dự thảo đã bỏ tình tiết “ít nghiêm trọng”. Điều này có nghĩa là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nếu phạm tội lần đầu, đã hối cải đều có thể được áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt mà điều luật quy định. Chúng tôi cho rằng việc sửa này không phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Tòa án không bao giờ áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu đối với những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Không có bản án nào xét xử vụ án giết người, mua bán ma túy mà nhận định là bị cáo phạm tội lần đầu để giảm nhẹ hình phạt. Mặt khác khoản 3 là quy định xử lý có tính khoan hồng và thể hiện nguyên tắc trách nhiệm hình sự có phân biệt. Khoan hồng, nhân đạo với ai và trừng trị với ai, với đối tượng nào là tinh thần của Điều luật này. Do đó, chúng tôi đề nghị không bỏ tình tiết “phạm tội ít nghiêm trọng”, đồng thời đề nghị bổ sung trường hợp phạm tội “trong trường hợp ít nghiêm trọng” để việc áp dụng thuận lợi hơn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sửa khoản 3 của điều luật này như sau: “3. Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt mà điều luật quy định”. - Hai là, đoạn 2 khoản 2 quy định “Nghiêm trị người tổ chức, lưu manh, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”. Chúng tôi đề nghị bỏ từ “ lưu manh” vì thực tiễn xét xử không áp dụng và đây là một thuật ngữ tương đối trừu tượng, khó xác định. Mặt khác đối với các hành vi phạm tội có tính chất dã man, tàn ác cũng cần được coi là đối tượng nghiêm trị. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sửa khoản 2 như sau: “2. Nghiêm trị người tổ chức, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt dã man, tàn ác, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”. - Ba là, đề nghị không bỏ từ “nhiều” tại khoản 4 trong quy định vì chỉ người bị phạt tù nào có nhiều tiến bộ trong quá trình chấp hành hình phạt tù thì mới được xét giảm việc chấp hành hình phạt. Mặt khác, người đang chấp hành hình phạt tù mà lập công lớn cũng là đối tượng được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Do đó, chúng tôi đề xuất sửa khoản 4 như sau: “4. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu có nhiều tiến bộ hoặc lập công lớn thì họ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt”. 3. Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Chúng tôi đồng tình với việc quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ cá nhân, tổ chức khi họ tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Quy định này có ý nghĩa thiết thực trong việc đẩy mạnh phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm. Mọi người có nghĩa vụ đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng họ cũng có quyền đòi hỏi nhà nước phải có nghĩa vụ bảo vệ mình khi tham gia phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị không quy định về trách nhiệm của Nhà nước riêng tại khoản 4 mà gộp quy định này vào khoản 3 Điều 4 để bảo đảm logic giữa quyền và nghĩa vụ của công dân và Nhà nước. 4. Chương II. Áp dụng BLHS Tiêu đề của Chương II và các Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Chương này trong Dự thảo đều được sửa từ “hiệu lực” sang “áp dụng”. Chúng tôi cho rằng sử dụng từ “áp dụng” trong các quy định này là không chính xác. “Áp dụng pháp luật” là hoạt động mang tính nhà nước, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành để các cá nhân, các chủ thể pháp luật tuân thủ và thi hành, bảo đảm các quyền của các chủ thể quan hệ pháp luật khi các quyền đó bị xâm hại. “Áp dụng pháp luật” còn được thực hiện khi sử dụng pháp luật không đúng, làm tổn hại đến quyền của các chủ thể pháp luật khác. Như vậy, “áp dụng pháp luật” bao giờ cũng mang tính cưỡng chế nhà nước. Các biện pháp cưỡng chế, hoạt động cưỡng chế đều mang tính quyền lực nhà nước. Nếu sử dụng thuật ngữ “áp dụng” có nghĩa là Chương II chỉ dành cho các hoạt động mang tính nhà nước, do các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước mà không phải là cho tất cả mọi người, mọi tổ chức. Hiệu lực của BLHS theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Chương này là hiệu lực về thời gian, về không gian, về tội phạm hóa, hình sự hóa, phi tội phạm và phi hình sự. Do vậy, chúng tôi đề nghị không sửa thuật ngữ “hiệu lực” trong tiêu đề của Chương II và trong các Điều 5, Điều 6, Điều 7. 5. Điều 8. Khái niệm tội phạm Khoản 1 Điều 8 quy định:“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật này”. So với khoản 1 Điều 8 BLHS hiện hành thì khái niệm về tội phạm đã bỏ hết những yếu tố cấu thành tội phạm. Theo chúng tôi mặc dù khái niệm về tội phạm có gọn hơn nhưng thiếu đầy đủ và chính xác. Hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải là một dấu hiệu duy nhất để xác định tội phạm. Có thể hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải là tội phạm nếu do người không có năng lực trách nhiệm hình sự, (năng lực về hành vi, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể) thực hiện hoặc hành vi nguy hiểm cho xã hội đó được coi là loại trừ tội phạm (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật hoặc một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong tội không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm…) Có quan điểm cho rằng việc sử dụng các yếu tố cấu thành tội phạm để xác định tội phạm là đã lỗi thời. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này vì nếu không căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm thì căn cứ vào đâu để xác định tội phạm. Tội phạm có 4 tính chất: tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật, tính chất lỗi và tính chịu trách nhiệm hình sự. Các tính chất của tội phạm giúp chúng ta xác định được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và cùng với các căn cứ khác về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội để Tòa án quyết định hình phạt tương xứng. Do đó, chúng tôi đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 8 như sau: “Điều 8. Khái niệm tội phạm. 1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của con người, của công dân, của tổ chức, xâm phạm các lĩnh vực khác của trật tự pháp luật”. 6. Điều 9. Phân loại tội phạm. Điều 9 được tách từ Điều 8 BLHS hiện hành và giữ nguyên cách phân loại tội phạm của Điều 8 BLHS hiện hành. Theo đó, tội phạm được phân thành 4 loại là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Các mức hình phạt là tiêu chí để phân biệt loại tội phạm. Việc phân loại tội phạm như hiện nay và trong Dự thảo cũng còn có những ý kiến khác nhau. Khi tiến hành tố tụng cũng như trong xét xử, việc đầu tiên các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định là có tội hay không có tội, tính chất mức độ của tội phạm đó thế nào: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xác định đường lối xử lý phù hợp, đặc biệt là để Tòa án quyết định hình phạt. Nếu quy định hình phạt rồi mới quy định tội phạm thì có vẻ như đã đi ngược chiều tội phạm – hình phạt. Tuy nhiên, nếu luật không quy định thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà giao cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn (theo dự thảo Luật ban hành văn bản thì không còn hướng dẫn tại các thông tư liên tịch mà có chăng chỉ có hướng dẫn bằng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) thì cũng cần được xem xét. Cũng có ý kiến cho rằng: việc đánh giá, xác định loại tội phạm hoặc các dấu hiệu định tính như hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn…. là thuộc quyền của Thẩm phán và Hội đồng xét xử. Nếu như vậy thì sẽ tạo ra sự tùy nghi quá lớn, không bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật. Thực tiễn áp dụng về phân loại tội phạm cũng không có gì vướng mắc lớn. Căn cứ vào phân loại tội phạm tại Điều 8 và căn cứ vào mức hình phạt quy định tại các điều luật trong phần các tội phạm của BLHS, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định loại tội phạm để có hướng xử lý đúng quy định của pháp luật. Do đó, chúng tôi đồng tình với cách phân loại tội phạm của Điều 9 Dự thảo BLHS vì đó là cách tốt nhất, đồng thời đây là cách phân loại tội phạm đã thực hiện trong nhiều năm qua. 7. Điều 12.Tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đồng tình với việc sửa khoản 1 có nội dung: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định”. Việc bổ sung quy định “Trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định” sẽ khắc phục được thiếu sót khi trong phần các tội phạm có những điều luật quy định người chưa thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ như Điều 115 Tội giao cấu với trẻ em quy định: “người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi…”. Cũng có ý kiến cho rằng trong tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất tội phạm và mức độ nghiêm trọng nên cần quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên là 12 tuổi và không thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên như khoản 2 của Điều 12 (thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo các nhóm tội). Chúng tôi cho rằng quan điểm trên chưa phù hợp với định hướng hướng thiện của chính sách hình sự đối với người chưa thành niên và cũng không phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, bởi các lý do sau đây: Một là: điều luật phân ra hai nhóm tuổi, từ đủ 16 tuổi trở lên và từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi. Lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi ở Việt Nam là lứa tuổi còn rất non nớt về nhận thức xã hội, tâm sinh lý mới bắt đầu phát triển; suy nghĩ và hành động của lứa tuổi này còn rất bồng bột, không chín chắn; có những hành vi mà họ không biết, không nhận thức được là sẽ để lại hậu quả gì. Nếu buộc người phạm tội ở lứa tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thật thỏa đáng. Do đó, chúng tôi đồng tình với Dự thảo chỉ nên buộc người phạm tội trong lứa tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự về một số nhóm tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. Hai là: ở một số quốc gia khác trên thế giới có quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 12 tuổi, thậm trí là 10 tuổi. Các quốc gia này xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự như xử lý về hành chính, về vi cảnh hay vi phạm nhỏ. Các Tòa án người chưa thành niên được thành lập để sàng lọc xem có cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm hay không. Người ta coi Tòa án người chưa thành niên là Tòa án thân thiện, không nặng về răn đe, trừng trị. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định xử lý đối với người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật; đó là xử phạt hành chính, xử lý bằng biện pháp xử lý hành chính thông qua chính quyền (giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc thông qua bằng quyết định của Tòa án. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc hoặc xử lý bằng các biện pháp cứng rắn đối với người phạm tội nói chung và đặc biệt là đối với người chưa thành niên nói riêng (cả trong quy định cũng như trong áp dụng) đều không phải là giải pháp hữu hiệu để tạo ra hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm. Do vậy, chúng tôi không đồng tình với quan điểm hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và đề nghị giữ nguyên như Dự thảo BLHS. 8. Điều 14. Chuẩn bị phạm tội. Theo quy định tại Điều 17 BLHS hiện hành thì “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”. Dự thảo BLHS dự kiến bỏ quy định này vì trong thực tiễn chưa xử lý và quy định này dễ dẫn đến việc suy đoán có tội và là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Có những ý kiến không đồng tình với việc bỏ quy định này vì cho rằng sẽ bỏ lọt tội phạm, việc ngăn ngừa sẽ kém hiệu quả, mặt khác sẽ không đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, theo quy định của Luật phòng, chống khủng bố thì nhiều hành vi mới chỉ chuẩn bị đã bị coi là hành vi khủng bố và bị xử lý. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này nhưng theo chúng tôi chuẩn bị phạm tội chỉ nên xử lý với một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng chứ không phải đối với tất cả các tội. Mặc khác, không nêu quy định trực tiếp ở các tội phạm cụ thể mà vẫn quy định ở phần chung như BLHS hiện hành thì về kỹ thuật lập pháp sẽ gọn hơn, khoa học hơn. Chúng tôi cũng đề nghị nếu giữ quy định về chuẩn bị phạm tội như nêu trên thì cũng nên loại trừ trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi. 9. Điều 15. Phạm tội chưa đạt Chúng tôi đề nghị cần cân nhắc đối với trường hợp người chưa thành niên phạm tội chưa đạt. Chúng tôi cho rằng không nên buộc người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về phạm tội chưa đạt. Nếu xét thấy cần tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi này thì cũng chỉ cần xử lý đối với người chưa thành niên ở lứa tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Ngay cả lứa tuổi này cũng chỉ nên quy định họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội chưa đạt đối với các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng chứ không phải là phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. 10. Điều 18. Che giấu tội phạm Chúng tôi đề nghị cần cân nhắc việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người che giấu tội phạm là người thân thích của người phạm tội. Khoản 2 của điều luật này quy định các đối tượng là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đạo lý truyền thống và văn hóa Việt Nam là cái gốc của đời sống xã hội và đó là nét đẹp cần bảo vệ, trân trọng. Nếu luật quy định những người thân thích phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi che giấu tội phạm thì quá nghiêm khắc. Theo chúng tôi, chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự của người thân thích khi che giấu người phạm tội đối với tội phạm về an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. 11. Điều 18. Không tố giác tội phạm - Chúng tôi cho rằng nên loại trừ trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhất là trường hợp họ là người thân thích của người phạm tội. Hành vi không tố giác tội phạm là hành vi không hành động, tính nguy hiểm thấp hơn hành vi che giấu tội phạm. - Về quy định loại trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa. Có quan điểm cho là người bào chữa phải đảm bảo nguyên tắc bí mật nghề nghiệp, họ không thể tố giác hành vi phạm tội của thân chủ nên cần loại trừ trách nhiệm hình sự của họ. Theo chúng tôi, cần phân biệt rõ về hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa để có quy định thỏa đáng phù hợp với Luật luật sư và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trường hợp người bào chữa trong vụ án biết rõ thân chủ của mình đã thực hiện một tội phạm khác, có các tình tiết tăng nặng khác trong vụ án đó mà không tố giác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người bào chữa trong vụ án mà biết rõ thân chủ của mình đang hoặc sẽ thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự. 12. Điều 22. Phòng vệ chính đáng. Khoản 2 của Điều luật này quy định. “2. Đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng trong những trường hợp sau: a) Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm để xâm phạm tính mạng, sức khỏe của mình hoặc của người khác; b) Chống lại người đang sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm để chống lại người thi hành công vụ; c) Chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm”. Như vậy, đối với các hành vi quy định rõ ở các điểm a, b, c nêu trên là đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, không cần phải xét đến yếu tố “chống trả một cách cần thiết” như quy định trong cấu thành cơ bản (khoản 1) của điều luật này. Tuy nhiên, theo quy định của điểm c thì chỉ được coi là đương nhiên phòng vệ chính đáng khi chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm. Chúng tôi cho rằng, ngoài hành vi giết người, hiếp dâm, còn có những hành vi rất nguy hiểm khác mà việc chống trả lại những hành vi này cũng cần phải được coi là đương nhiên phòng vệ chính đáng. Chúng tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi “đương nhiên” hơn nữa đối với người chống trả lại người đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Chúng tôi đề xuất sửa điểm c như sau: “ c) Chống trả người đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng”. 13. Điều 23. Tình thế cấp thiết Chúng tôi đề nghị giữ nguyên khoản 1, không nên đưa lợi ích của Nhà nước sau lợi ích cá nhân như chúng tôi đã nêu tại Điều 1. 14. Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. - Điều luật này không chia khoản là không hợp lý về kỹ thuật (các Điều 22, 23 và 24 đều chia thành 2 khoản: khoản 1 quy định loại trừ trách nhiệm hình sự; khoản 2 là phải chịu trách nhiệm hình sự). Để phù hợp với các điều luật khác trong cùng chương này, chúng tôi đề nghị Điều 25 cũng nên thiết kế thành 2 khoản; cụ thể như sau: “1. Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thi đấu thể thao hoặc thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng các quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm. 2. Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. - Cần bổ sung tên của điều luật này. Đây là một điều luật ghép của nhiều hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản, trong đó có hành vi rủi ro trong thi đấu thể thao. Vì vậy, tên của điều luật này cần sửa là “Điều 25. Rủi ro trong thi đấu thể thao, trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới”. 15. Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên Tinh thần của Điều luật này là chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trong lực lượng vũ trang chứ không nên mở rộng đối với các đối tượng khác. Ngay việc loại trừ trách nhiệm hình sự của chấp hành mệnh lệnh cũng chỉ nên quy định trong chiến đấu phục vụ chiến đấu hoặc trong đấu tranh phòng chống tội phạm chứ không phải trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, trong Dự thảo lại không có quy định để xử lý đối với người chỉ huy, cấp trên khi ra mệnh lệnh sai, gây thiệt hại nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng cần có quy định này để đề cao trách nhiệm của người chỉ huy hoặc cấp trên khi ra lệnh cho cấp dưới. 16. Điều 28. Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự “Miễn trách nhiệm hình sự” và “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” là hai khái niệm khác nhau và được thực hiện ở các giai đoạn tố tụng khác nhau. “Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” được thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố và thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. “Miễn trách nhiệm hình sự” là trường hợp Tòa án xác định người bị truy tố có tội, nhưng có các căn cứ theo quy định để miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Do đó, chúng tôi đề nghị cần thay cụm từ “Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “Miễn trách nhiệm hình sự” trong khoản 1 và khoản 2 Điều luật này. Điểm a khoản 2 Điều luật này quy định: “a) Phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng vô ý gây thiệt hại về tính mạng hoặc xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tội nghiêm trọng xâm hại tài sản của người khác mà người bị hại đã đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Đây là một quy định mới của Dự thảo BLHS. Quy định này đã mở rộng về phạm vi miễn trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý mà xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tội phạm nghiêm trọng xâm phạm tài sản nếu người bị hại đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng có thể vì sức ép nào đó mà người bị hại phải đồng ý hòa giải và làm đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo và việc mở quá rộng phạm vi của các loại tội phạm có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đồng tình với Dự thảo nhưng đề nghị quy định chặt chẽ hơn, cụ thể là: “ a. Phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tội nghiêm trọng xâm phạm tài sản của người khác mà người bị hại đã tự nguyện thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                         Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: