Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Pháp luật hình sự về xử lý các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng,thực trạng và giải pháp hoàn thiện


Khái niệm “Người tiêu dùng” theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 được định nghĩa như sau: “là người mua,
sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, tổ chức”. Như vậy có thể thấy ngay rằng người tiêu dùng là nhóm đối tượng đông đảo nhất trong xã hội. Người tiêu dùng thông qua các giao dịch dân sự để mua về cho mình hàng hóa, hoặc nhận được sự cung ứng những dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu về sinh hoạt, tiêu dùng của bản thân, gia đình hoặc của tập thể. Xã hội càng phát triển thì hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng ngày càng đa dạng về số lượng, phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với những nhà sản xuất, phân phối sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì hiện nay người tiêu dùng lại luôn ở vị thế yếu hơn, bất lợi hơn. Điều này xuất phát từ thực tế là phần lớn người tiêu dùng luôn không được biết đầy đủ, chính xác thông tin về nguồn gốc xuất xứ, về quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa hay cung ứng dịch vụ; người tiêu dùng cũng không phải ai cũng có đủ kiến thức chuyên môn để hiểu biết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình có nhu cầu mua sắm, sử dụng. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế, đã xuất hiện nhiều nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ vì lợi nhuận mà phớt lờ đạo đức kinh doanh, bất chấp pháp luật, nên tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng hóa không đủ số lượng, hàng hóa giả mạo hoặc hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, không đúng như những gì mà họ đã thông tin, quảng cáo; cá biệt còn có những trường hợp hàng hóa chứa chất cấm, chất có hại cho sức khỏe con người, cho môi trường. Không chỉ xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, những hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa giả mạo, hàng hóa kém chất lượng, bán hàng gian dối, cung ứng dịch vụ kém chất lượng... như đã nêu ở trên còn xâm phạm đến trật tự quản lý nền kinh tế, xâm phạm an toàn công cộng của một xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là nhiệm vụ không chỉ giới hạn trong phạm vi của một địa phương, một quốc gia hay một vùng lãnh thổ mà còn mang tính toàn cầu. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp, đặt ra nhiều loại chế tài như chế tài hành chính (phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm...), chế tài dân sự (buộc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả...) và cả loại chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự (tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị áp dụng loại, mức hình phạt cụ thể, cao nhất là tử hình). Nhưng hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng mở rộng về phạm vi, gia tăng về số lượng và nghiêm trọng về tính chất, mức độ. Những thông tin chúng ta liên tục đọc được, nghe được, xem được từ các phương tiện thông tin đại chúng là ở nơi này, nơi kia, cơ quan chức năng vừa phát hiện những vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với số lượng và quy mô lớn, trong đó có cả những hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu, những vụ ngộ độc thực phẩm đông người, những vụ gian lận về chất lượng, dung tích xăng dầu tại rất nhiều cây xăng, những vụ thực phẩm kém chất lượng, bị nhiễm bẩn, thực phẩm có chất cấm, chất gây nguy hại cho sức khỏe, những vụ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc gây chết người... Qua đó cho thấy hệ thống chế tài được đặt ra để xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa thực sự hiệu quả, trong đó có chế tài hình sự chưa đủ sức trấn áp riêng cũng như răn đe chung, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng diễn biến phức tạp, gia tăng về quy mô và tính chất, hậu quả xảy ra cũng ngày một nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, trong đó có pháp luật hình sự để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết hiện nay. Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số phân tích, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật hiện hành và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng. 1. Quy định của pháp luật hình sự hiện hành về bảo vệ người tiêu dùng Trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng có những quy định bảo vệ người tiêu dùng. Thông thường cơ chế bảo hộ pháp luật đối với người tiêu dùng được thực hiện thông qua một số hướng cơ bản sau: Thứ nhất, ghi nhận quyền của người tiêu dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, khẳng định một số quyền lợi có tính chất đặc thù của người tiêu dùng. Thứ ba, quy định các chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Trong cơ chế bảo hộ pháp luật đối với người tiêu dùng thì pháp luật hình sự là cơ chế bảo hộ nghiêm khắc nhất, mang tính răn đe cao nhất. Luật hình sự bảo vệ người tiêu dùng bằng cách xác định những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng là tội phạm và các hình thức trách nhiệm pháp lý hình sự có thể được áp dụng đối với người phạm tội (bao gồm hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác). Bộ luật hình sự hiện hành không có một chương riêng quy định hành vi phạm tội xâm phạm đến người tiêu dùng, nhưng có 8 tội thuộc nhóm tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng nằm ở 2 chương: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVI) và Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XIX); bao gồm: 1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156) là hành vi làm ra, nhập khẩu, mua đi bán lại hàng hoá không phải là hàng thật. Đây là tội ghép từ hai tội phạm riêng biệt là “tội làm hàng giả” và “tội buôn bán hàng giả”. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở chỗ người tiêu dùng đã chi một khoản tiền với mục đích để mua hàng thật nhưng lại nhận được loại hàng không phải là hàng thật và việc sử dụng hàng giả có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người; chỉ xử lý hình sự khi số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại một trong các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159 và 161 BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; (3) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 2. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157) là hành vi sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không phải là thật. Điều luật này là điều luật ghép quy định 8 tội phạm và là trường hợp đặc biệt của tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Cũng giống như tội sản xuất, buôn bán hàng giả, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở chỗ người tiêu dùng đã chi một khoản tiền với mục đích để mua lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thật nhưng lại nhận được loại lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không phải là hàng thật, việc sử dụng loại lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh không phải là hàng thật có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người, thậm chí có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là đủ cấu thành xử lý hình sự mà không cần xác định giá trị tài sản là bao nhiêu. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có mức hình phạt cao nhất là tử hình trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. 3. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật, vật nuôi (Điều 158) là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là tội ghép và là trường hợp đặc biệt của tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi gây thiệt hại về tài sản cho người tiêu dùng do phải sử dụng hàng không phải là hàng thật, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Chỉ xử lý hình sự khi hàng giả có số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại một trong các Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159 và 161 của BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật, vật nuôi có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) hàng giả có số lượng đặc biệt lớn; (2) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Tội đầu cơ (Điều 160) là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính. Hành vi đầu cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng do phải mua hàng hóa đã bị đẩy giá lên cao hơn giá trị thực. Chỉ xử lý hình sự khi hành vi đầu cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Tội đầu cơ có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) hàng đầu cơ có số lượng đặc biệt lớn; (2) thu lợi bất chính đặc biệt lớn; (3) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Tội lừa dối khách hàng (Điều 162) là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong quá trình mua, bán hàng hóa. Hành vi lừa dối khách hàng gây thiệt hại về tài sản cho người tiêu dùng do phải trả tiền cho số lượng hàng hóa cao hơn số lượng thực tế hoặc không đúng chủng loại hàng hóa thỏa thuận mua bán. Chỉ xử lý hình sự khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội lừa dối khách hàng có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) phạm tội nhiều lần; (2) thu lợi bất chính lớn. 6. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện (Điều 177) là hành vi cắt nguồn điện không đúng với yêu cầu kỹ thuật hoặc không thông báo trước cho người sử dụng điện theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng. Hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở chỗ người tiêu dùng không có nguồn điện để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng, kéo theo hậu quả thiệt hại về vật chất; chỉ xử lý hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù khi gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 7. Tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242) là hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Lưu ý là những hành vi sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc trái phép mà là thuốc gây nghiện, hướng thần thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của loại tội này. Hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ của người tiêu dùng; chỉ xử lý hình sự khi gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù khi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 8.Tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 244) là hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ của người tiêu dùng do phải sử dụng thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Chỉ xử lý hình sự khi gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (làm chết nhiều người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ cho rất nhiều người). Đặc điểm chung của các tội nói trên là đều xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, thông qua đó xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Đối tượng của các tội phạm này là hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Mục đích thu lợi bất chính không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng thường đó là ý chủ quan của người phạm tội. Phần lớn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng bị coi là tội phạm khi gây hậu quả ở mức độ nghiêm trọng hoặc người thực hiện hành vi có nhân thân xấu, đã từng bị xử lý hành chính hoặc đã từng bị kết án; trừ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 157 BLHS không cần gây hậu quả hoặc chủ thể là người có nhân thân xấu, vì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Ngoài ra, trong một số chương khác của BLHS còn quy định một số hành vi phạm tội do bắt nguồn từ những giao dịch tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ mà đã xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Đó là các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, như: tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác; các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân như: tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật; các tội xâm phạm sở hữu như: tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... mà người bị hại là người tiêu dùng và nguyên nhân phạm tội có thể bắt nguồn từ những giao dịch tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. 2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. BLHS quy định một cách tương đối toàn diện và cụ thể phần lớn các hành vi xâm hại đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng có chiều hướng mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, tinh vi, xảo quyệt về mặt thủ đoạn thì quy định của BLHS về tội phạm và hình phạt cũng như chính sách hình sự đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đã dần bộc lộ những hạn chế; thậm chí là bất cập, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể như sau: - Thứ nhất, khách thể của tội phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng về cơ bản giống như khách thể của tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và xâm phạm sở hữu, nhưng nó phát sinh trong quan hệ tiêu dùng - một quan hệ đặc thù, đồng thời có những khác biệt về đối tượng tác động và mục đích, động cơ thực hiện tội phạm cũng không phải là xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác. Trong khoa học pháp lý thì có đề cập đến khái niệm về các tội phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhưng trong công tác lập pháp hình sự truyền thống thì các tội phạm này không được quy định tập trung trong một chương mà nằm phân tán, rải rác trong các chương khác nhau của BLHS hiện hành nên thực tế những tội phạm này mới chỉ được nghiên cứu, xem xét ở góc độ là các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tác giả cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi quan điểm lập pháp theo hướng đề cao việc bảo vệ người tiêu dùng - nhóm đối tượng đặc biệt quan trọng cần được bảo vệ trong xã hội. Trước hết cần dành riêng một chương trong BLHS quy định về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Ở Châu Á, có Nhật Bản là quốc gia dành một chương riêng trong BLHS để quy định về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. - Thứ hai, một số hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng mới phát sinh và đang diễn ra khá phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được quy định trong pháp luật hình sự. Đáng chú ý nhất hiện nay là hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa chứa chất cấm, chất độc gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người. Rất nhiều sản phẩm mà người tiêu dùng, trong đó có chúng ta sử dụng hàng ngày đang chứa đựng nguy cơ gây hại cho tính mạng, sức khỏe và hầu hết đều được nhập với giá rẻ từ bên kia biên giới hoặc được sản xuất trong nước. Chất lượng an toàn thực phẩm, hàng hóa đang là vấn đề đáng báo động trong xã hội, nhưng pháp luật hình sự dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Mặc dù trong luật đã quy định tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thực tế hầu như không có vụ việc nào bị xử lý hình sự nếu chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, trong khi hậu quả của của việc sử dụng hàng kém chất lượng, hàng độc hại thường diễn ra từ từ, trong một thời gian tương đối dài; sự suy giảm sức khỏe của người tiêu dùng diễn ra từ từ và đến khi hậu quả thiệt hại xảy ra thì rất khó để quy kết nguyên nhân. Rất nhiều vụ việc sản xuất và nhập khẩu hàng kém chất lượng, hàng độc hại không đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã được công bố công khai nhưng không xử lý được do chưa có chế tài hình sự. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa còn rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa được tội phạm hóa, như hành vi trốn tránh nghĩa vụ bảo hành, hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dưới hình thức thương mại điện tử có tính chất gian lận... gây thiệt hại thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người tiêu dùng. Tác giả cho rằng, vấn đề tội phạm hóa hành vi sản xuất và nhập khẩu hàng kém chất lượng, hàng độc hại gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người; hành vi trốn tránh nghĩa vụ bảo hành, hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tính gian lận, vi phạm quyền bảo mật thông tin của khách hàng, hàng hóa, dịch v�� không đúng về số lượng, chất lượng như bên bán cam kết... cần phải được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS sắp tới nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. - Thứ ba, lừa dối khách hàng là một trong những hành vi khá phổ biến hiện nay. BLHS quy định hành vi khách quan của tội này là cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong quá trình mua, bán hàng hóa. Trong khi để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng đối với người tiêu dùng thì không chỉ có hàng hóa mà còn có các loại hình dịch vụ. Dịch vụ cũng là một loại đối tượng của tội phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhưng trong BLHS, đối tượng của tội phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là dịch vụ chưa được đề cập, dẫn đến tình trạng rất nhiều hành vi lừa dối khách hàng, cung cấp dịch vụ kém chất lượng, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng nhưng lại không phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự do chưa có quy định. Chẳng hạn các dịch vụ khuyến mãi gian dối, quảng cáo gian dối, các dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, nhưng không thể xử lý được bằng chế tài hình sự. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì cần bổ sung theo hướng ngoài các loại hàng hóa thông thường, phải đưa dịch vụ vào đối tượng xâm hại của tội lừa dối khách hàng mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm này trong tình hình mới. - Thứ tư, hiện nay đối tượng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có cá nhân mà còn có pháp nhân, nhưng pháp luật hình sự ở Việt Nam chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân là một hạn chế lớn trong xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự. Quan điểm về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân ở nước ta trong thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống pháp luật hình sự của các nước XHCN, nhất là của Liên Xô (cũ), hơn nữa trong thời gian dài trước đây, các vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện chưa phổ biến và chưa tới mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, do mặt trái của nền kinh tế thị trường kết hợp với tâm lý hưởng thụ, lối sống thực dụng, tìm kiếm lợi nhuận là trên hết đã khiến cho không ít doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội do các pháp nhân thực hiện, trong đó có các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng; do vậy, thực tiễn đã đặt ra vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đang diễn ra phổ biến và có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội chính là điều kiện cơ bản nhất để quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân. Mặc dù theo quy định hiện hành, khi pháp nhân vi phạm pháp luật thì Nhà nước có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên các biện pháp trách nhiệm pháp lý này chưa đủ sức mạnh cưỡng chế cần thiết, mức xử lý vi phạm hành chính hiện nay chưa có tính răn đe mạnh mẽ đối với các pháp nhân cũng như người đại diện của pháp nhân. Do vậy cần phải áp dụng trách nhiệm hình sự cho pháp nhân, cho dù chỉ có thể áp dụng phạt tiền đối với pháp nhân, tương tự như phạt tiền trong trách nhiệm hành chính và dân sự, nhưng tính chất của phạt tiền là hình phạt trong trách nhiệm hình sự sẽ có tính cưỡng chế nghiêm khắc hơn so với phạt tiền trong trách nhiệm dân sự; hậu quả pháp lý mà pháp nhân phải gánh chịu cũng nặng nề hơn, nên hiệu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ cao hơn. Cần phải coi pháp nhân là chủ thể của loại tội phạm này thì Nhà nước mới có thể kiểm soát được hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân và bảo vệ người tiêu dùng. Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân là vấn đề lớn, đang có nhiều ý kiến khác nhau, bài viết này không đi sâu vào vấn đề này. Nhưng để bảo vệ người tiêu dùng có hiệu quả thì vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân phải được tính đến nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn hiện nay. - Thứ năm, hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ nghiêm khắc để có thể đạt được mục đích trừng trị riêng và phòng ngừa chung. Ngoài tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có mức hình phạt nghiêm khắc nhất, mức cao nhất là tử hình, thì có 5 tội mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù, 2 tội có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. 3. Một số ý kiến đề xuất Từ thực trạng những bất cập nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng như sau: - Một là, dành riêng một chương trong BLHS quy định về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. - Hai là, tội phạm hóa một số hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng có tính nguy hiểm cao cho xã hội như hành vi sản xuất và nhập khẩu hàng kém chất lượng, hàng độc hại gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người và hành vi trốn tránh nghĩa vụ bảo hành. - Ba là, bổ sung dịch vụ là một trong những đối tượng xâm hại của tội lừa dối khách hàng. - Bốn là, quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm. - Năm là, tăng chế tài hình sự đối với các tội phạm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
                                                                                                                                   Dương Anh Văn

Không có nhận xét nào: