Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Một số ý kiến đối với quy định của Bộ luật hình sự về người chưa thành niên phạm tội


Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Đó là lứa tuổi đang phát triển về tâm sinh lý và
nhân cách, còn non nớt về nhận thức và tinh thần, nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Hành vi của người chưa thành niên thường bồng bột, thiếu suy nghĩ, thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả của hành vi mình thực hiện. Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội của người chưa thành niên đã và đang là vấn đề thời sự. Xã hội đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể phải có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Áp dụng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội như thế nào dể vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của xã hội, đồng thời bảo đảm yêu cầu, mục đích lấy giáo giục làm chính với đối tượng này là một vấn đề rất lớn cần phải nghiên cứu sâu sắc. BLHS và BLTTHS đã dành riêng các chương đặc biệt để quy định về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng về cơ bản đã áp dụng đúng các quy định của hai Bộ luật này để xử lý người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, nhìn chung các hình phạt mà Tòa án đã áp dụng vẫn nặng về trừng trị mà còn chưa chú ý nhiều đến giáo dục. Áp dụng hình phạt nghiêm với người chưa thành niên phạm tội không phải là một biện pháp tốt bởi sẽ làm cho những đứa trẻ đó trở nên chai sạm, lỳ lợm hơn khi cảm thấy xã hội không khoan dung. Mặc cảm của đứa trẻ không dễ gì xóa được trong suy nghĩ trong nhận thức còn non nớt của chúng. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quyền trẻ em. Theo yêu cầu của Công ước này thì: “Bất cứ khi nào xét thấy phù hợp và nên làm” các quốc gia phải khuyến khích thiết lập các biện pháp xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật mà không cần viện dẫn đến các thủ tục tư pháp trong điều kiện bảo đảm quyền con người và sự nghiêm minh của pháp luật. Sau khi nghiên cứu Dự thảo BLHS sửa đổi, chúng tôi có một số ý kiến như sau: 1. Về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều 69 BLHS hiện hành và Điều 93 Dự thảo BLHS quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Đó là tư tưởng chỉ đạo, điểm xuất phát trong quá trình xây dựng các quy định của BLHS về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. BLHS hiện hành đã thể hiện rất rõ nguyên tắc này trong rất nhiều quy định về xử lý người chưa thành niên phạm tội. Đó là các quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn; tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; giảm mức hình phạt đã tuyên; xóa án tích; các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội…Các quy định đối với việc xử lý người chưa thành niên phạm tội cũng đã thể hiện khá đầy đủ, toàn diện nguyên tắc xử lý hay cũng chính là chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội. Chúng tôi đồng tình với việc bổ sung nguyên tắc “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” tức là việc xử lý người chưa thành niên phạm tội không nhằm mục đích trừng trị, lấy giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội là chính. Trong trường hợp nào cũng phải đảm bảo lợi ích của họ và cũng được hiểu đây là quyền của người chưa thành niên phạm tội. Đối với quy định tại khoản 2 Điều 93 (Phương án 2): “2.Các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Mục II Chương này”. Đây là một quy định mang tính nguyên tắc, do đó trong Mục II của Chương này phải là những quy định về các biện pháp thay thế xử lý hình sự. 2. Về các biện pháp thay thế xử lý hình sự Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc cần thiết phải xem lại một cách thật nghiêm túc về các quy định xử lý của BLHS đối với người chưa thành niên phạm tội và cũng rất cần thiết phải xem lại cả việc áp dụng những quy định này trong thực tiễn xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời gian qua. Riêng trong việc xây dựng các quy định xử lý đối với người chưa thành niên của BLHS cần phải nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ thực tiễn và lý luận, đồng thời tham khảo kinh nghiệm lập pháp, kinh nghiệm xử lý của một số quốc gia trên thế giới về vấn đề này để việc sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như phải có tính khả thi cao. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam đang tồn tại một hệ thống các văn bản quy định về xử phạt hành chính, xử lý hành chính. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không có quy định xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Các vi phạm pháp luật này được coi là hình sự nhỏ hoặc vi cảnh. Do đó, nếu các vi phạm này chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự thì được xử lý bằng biện pháp khác. Các biện pháp xử lý những vi phạm của người chưa thành niên phạm tội được “sàng lọc” để xử lý bằng biện pháp khác không phải là hình sự. Việc đưa ra khỏi trình tự tố tụng hình sự, không xử lý bằng hình sự gọi là biện pháp chuyển hướng xử lý. Các biện pháp chuyển hướng xử lý của người chưa thành niên phạm tội không được quy định trong BLHS của các quốc gia được quy định trong các văn bản pháp luật khác như Luật trẻ em. Như vậy, Việt Nam đã có nhiều cơ chế xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Ngay trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã có quy định mang tính “chuyển hướng” như nhắc nhở. Trong BLHS hiện hành cũng đã có quy định mang tính chất chuyển hướng xử lý, đó là quy định tại Điều 70 hai biện pháp tư pháp có tính giáo dục và phòng ngừa là: “Giáo dục tại xã, phường, thị trấn” và “Đưa vào trường giáo dưỡng”. Tuy nhiên, cả hai biện pháp này đều rất ít được các Tòa án áp dụng khi xét xử người chưa thành niên phạm tội. Như vậy, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải xây dựng các quy định về các biện pháp thay thế xử lý hình sự mà thực chất đó là các biện pháp chuyển hướng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS hay không? Theo chúng tôi, không nên quy định trong BLHS về vấn đề này. Điều này cũng có nghĩa là không nên quy định có tính nguyên tắc ở khoản 2 Điều 93 Dự thảo BLHS. Nếu quy định, thì cần sửa khoản 2 Điều 93 như sau: “2. Các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét, áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Mục… của Chương này”. 3. Về các quy định cụ thể của các biện pháp thay thế xử lý hình sự. Chúng tôi đồng tình với những sửa đổi trong nhiều quy định của BLHS nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các quy định rất “ưu tiên” và “bảo đảm lợi ích tốt nhất” cho người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mặc dù lấy giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa là chính, nhưng cũng phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Nếu pháp luật quá nghiêng về giáo dục sẽ làm nhòa đi yếu tố rất quan trọng, không thể thiếu là trừng trị. Đây là hai vấn đề song hành trong quá trình xây dựng BLHS. Chúng tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự (khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức) đối với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng của nhóm tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản là không thực tế, sẽ không được sự đồng tình của dư luận và sẽ không đi vào cuộc sống. Ví dụ: Một người 17 tuổi phạm tội hiếp dâm trẻ em được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì không ổn; hoặc một người chưa thành niên cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (khoản 3 Điều 104 là tội rất nghiêm trọng) được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự là hòa giải tại cộng đồng thì lại càng không ổn. Người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (bất kể đó là tội gì) đều được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc cơ quan, tổ chức. Người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng (không phân biệt là tội gì) cũng đều được miễn trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị khiển trách (Điều 91 dự thảo BLHS). Những quy định của ba biện pháp trên (khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức) đều là bắt buộc chứ không phải là “có thể”. Những quy định nêu trên của các biện pháp thay thế xử lý hình sự cần phải xem xét lại thận trọng hơn nữa và dù quy định tại văn bản pháp luật nào chăng nữa cũng không nên “thái quá”. Theo chúng tôi, có lẽ chỉ nên thu hẹp trong phạm vi các tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc cố ý. 4. Một số đề xuất và kiến nghị. - Một là: theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 thì trong hệ thống Tòa án có Tòa gia đình và người chưa thành niên. Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập ở Tòa án cấp cao, TAND cấp tỉnh và có thể ở TAND cấp huyện. Cho đến nay Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ có thẩm quyền giải quyết những loại vụ án nào về dân sự, hình sự cũng vẫn còn đang trong quá trình xem xét. Do đó, chúng tôi cho rằng cần sớm có văn bản quy định thẩm quyền của Tòa này và sớm củng cố tổ chức hệ thống Tòa án bởi Luật Tổ chức TAND sắp có hiệu lực pháp luật và một số quy định về tổ chức Tòa án đã có hiệu lực. - Hai là: khác với một số quốc gia, Tòa gia đình và chưa thành niên của Việt Nam không phải là nơi “sàng lọc”, “thẩm xét” để có thể xét xử hay chuyển hướng xử lý hình sự mà thẩm quyền này thuộc Tòa xét xử vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi chưa có văn bản pháp luật nào khác dành riêng cho người chưa thành niên thì đương nhiên các Tòa án vẫn phải, buộc phải áp dụng BLHS và BLTTHS để giải quyết vụ án. Nếu quy định quá chi tiết về xử lý người chưa thành niên phạm tội trong cả hai Bộ luật này thì cũng bất cập, không quy định chi tiết thì lại thiếu. BLHS và BLTTHS chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản để xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần, rất cần phải làm ngay là nghiên cứu xây dựng Luật trẻ em. Luật này sẽ điều chỉnh toàn bộ những vấn đề liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, những vấn đề phải giải quyết đối với họ trong quan hệ gia đình và cả vấn đề bảo vệ người chưa thành niên khác tham gia tố tụng tại Tòa án. -Ba là: để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, chúng tôi đề nghị cần sửa quy đinh về tuổi trẻ em lên đủ 18 tuổi. Khi đề xuất này được chấp nhận thì BLHS và BLTTHS sẽ phải sửa đổi nhiều quy định về vấn đề này. Việc nâng tuổi của trẻ em lên đủ 18 tuổi có ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ người chưa thành niên một đối tượng đặc biệt của pháp luật hình sự Việt Nam. - Bốn là: Trong khi chưa có Luật trẻ em (hoặc luật về người chưa thành niên) chúng tôi kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên. Một biện pháp đã được quy định tại Điều 70 BLHS nhưng hầu như không được các Tòa án áp dụng. - Năm là: hình phạt lao động phục vụ cộng đồng nhằm giảm bớt việc áp dụng các hình phạt khác và đề cao tính giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, xét cho cùng thì biện pháp (hình phạt) này cũng gần giống, tương tự như biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và nếu xét thấy đây là biện pháp khả thi thì chỉ cần sửa, bổ sung vào biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không cần thiết phải quy định thành một hình phạt riêng. Chúng tôi đề nghị chuyển khoản 2 Điều 112 dự thảo BLHS “xóa án tích” về khoản 6 Điều 93 và khoản 6 được thiết kế như sau: “6. Bản án đã tuyên đối với người chưa thành niên hoặc các biện pháp tư pháp đối với họ thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm và không được coi là án tích”. (Đề xuất này chỉ phù hợp khi Luật quy định trẻ em là người chưa đủ 18 tuổi). 
                                                                                                                     Ths. Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: