Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Trao đổi một số ý kiến về vấn đề người bị hại từ chối giám định thương tật, sức khỏe trong vụ án hình sự


1. Thực trạng việc người bị hại từ chối giám định thương tật, sức khỏe Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy
định: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.” Đó là các tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền nhân thân, quyền sở hữu công nghiệp gắn với mỗi cá nhân như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109); Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội cưỡng dâm (Điều 113)... Theo quy định nêu trên thì Cơ quan điều tra chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với các tội thuộc khoản 1 các điều luật quy định về tội phạm tương ứng. Quy định này của BLTTHS nhằm bảo vệ bí mật đời tư và danh dự của người bị hại, đều là các tội ít nghiêm trọng nên có thể giải quyết bằng con đường hành chính, dân sự, giảm bớt việc giải quyết bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự.[1] Quy định về quyền nêu trên cho người bị hại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã dành cho người bị hại quyền quyết định việc có yêu cầu xử lý hành vi phạm tội của người phạm tội hay không sau khi cân nhắc quyền lợi của mình giữa việc xử lý hành vi phạm tội với việc không xử lý hành vi phạm tội bằng vụ án hình sự. Với quy định này, lợi ích của người bị hại đã được ưu tiên trước lợi ích của xã hội khi xem xét xử lý hành vi phạm tội. Tuy nhiên, có những hành vi phạm tội có dấu hiệu cấu thành tội phạm khoản 2 các điều luật được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS nhưng người bị hại lại không đồng ý giám định thương tích nên đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh trong chống tội phạm; đặc biệt là đối với các tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác. Sau khi làm rõ và bắt giữ đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác, không phải vụ án nào cũng xử lý nghiêm được đối tượng gây án vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là người bị hại từ chối giám định hay giám định lại thương tích. Không có kết quả giám định hoặc giám đinh lại thương tích của người bị hại thì việc truy tố đối tượng gây án sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm. Việc người bị hại từ chối giám định hoặc giám định lại thương tích có nhiều nguyên nhân. Có trường hợp do giữa người bị hại và đối tượng gây án có mối quan hệ gia đình, họ hàng (anh em ruột, vợ chồng…) hoặc mối quan hệ hàng xóm láng giềng, nên người bị hại đã từ chối giám định thương tích. Có vụ cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến ổ nhóm mang tính chất xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, … nhưng do người gây án và người bị hại đã ngầm thỏa thuận, tự hòa giải bồi thường hoặc người bị hại, người thân của họ bị đối tượng gây án đe dọa, mua chuộc…, họ lo sợ cho tính mạng của bản thân và gia đình nên đã không hợp tác với cơ quan điều tra mà tự thỏa thuận bồi thường. Đồng thời, người bị hại viết đơn từ chối giám định thương tích hoặc kéo dài thời gian đi giám định thương tích để thoái thác, gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan điều tra.[2] Ví dụ 1: Vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 27/8/2011 tại khóm 5, phường 7, thành phố S, tỉnh S. Do mâu thuẫn trong việc tranh giành địa bàn làm ăn với nhau, Trần Văn D (sinh năm 1985) dùng mã tấu chém người bị hại là anh Lê Văn T (sinh năm 1988) liên tiếp 04 nhát với các vết thương: 01vết thương vành tai trái; 01 vết thương ở đầu vùng thái dương trái; 01 vết cẳng tay trái và 01 vết ở lưng phải. Khi ra viện, gia đình D đã thỏa thuận bồi thường cho T số tiền 40 triệu nên T đã làm đơn xin bãi nại cho D và làm đơn từ chối giám định. Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời T đến trụ sở làm việc và đưa đi giám định nhưng T vẫn không chịu hợp tác với Cơ quan điều tra mà cố tình lánh mặt gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án.[3] Ví dụ 2: Vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày ngày 27/4/2010 tại huyện T, tỉnh P. Chiều ngày 27/4/2010, Nguyễn Văn Tịnh cùng em ruột là Nguyễn Minh Vương đến sân bóng chuyền thì gặp Hồ Văn Tân. Do có mâu thuẫn từ trước nên hai bên cãi vã rồi xông vào đánh nhau; Tân bỏ chạy đến nhà bạn là Trương Văn Vũ nói bị anh em Tịnh đuổi đánh nên nhờ Vũ dẫn về. Khi Vũ dẫn Tân đi được khoảng 100m thì gặp anh em Tịnh và Nguyễn Văn Trung. Tân chỉ tay nói có giỏi thì đánh tao nữa đi. Nghe vậy, Tịnh cùng Vương, Trung chạy đến thì Tân và Vũ bỏ chạy. Vũ chạy vào một nhà ở gần đó lấy 01 con dao chạy ra. Thấy Vũ cầm dao, Trung dùng ghế nhựa ném. Vũ cầm dao xông vào chém Tịnh trúng mặt và tay trái. Ngày 28/4/2010, Trung tâm pháp y tỉnh P kết luận tỷ lệ thương tích của Tịnh là 19% nhưng cuối bản giám định có ghi thêm: “Nạn nhân đang trong thời gian còn điều trị, do đó chúng tôi chỉ đánh giá tạm thời. Kính đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện T trưng cầu giám định bổ sung sau khi đã điều trị ổn định”. Ngày 01/6/2010 Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định bổ sung đối với Nguyễn Văn Tịnh. Ngày 11/6/2010, Trung tâm pháp y tỉnh P kết luận tỷ lệ thương tích của Nguyễn Văn Tịnh là 13%. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện T đã truy tố Vũ về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS (dùng hung khí nguy hiểm). Ngày 13/01/2011, Tòa án nhân dân huyện T đưa vụ án ra xét xử. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định trưng cầu giám định lại đối với người bị hại. Kết quả giám định lại, tỷ lệ thương tích của bị hại giảm xuống còn 09%. Tuy nhiên, người bị hại đã có đơn rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo trước ngày mở phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã căn cứ vào khoản 2 Điều 105 BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án. Vì cho rằng Tòa án trưng cầu giám định không đúng quy định của BLTTHS (không triệu tập người giám định tham gia tố tụng mà căn cứ khoản 5 Điều 215 BLTTHS để ra quyết định trưng cầu giám định lại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng) nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P đã kháng nghị Quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án huyện T. TAND tỉnh P chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P, hủy quyết định đình chỉ vụ án của TAND huyện T để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, do người bị hại từ chối giám định lại và sau đó bị hại đã không có mặt ở địa phương nên việc giám định chưa thể tiến hành được, đã ảnh hưởng đến việc điều tra, giải quyết vụ án.[4] Ngoài ra, đối với một số tội khác mà tỷ lệ thương tật là căn cứ để xem xét có khởi tố vụ án hay không cũng gặp khó khăn tương tự. Cụ thể trong các vụ án vi phạm an toàn giao thông mà người bị hại bị thương tích từ chối việc thực hiện giám định thì các CQTHTT không khởi tố vụ án, khởi tố bị can được vì không xác định được tỷ lệ thương tích (Xem Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự). Ví dụ: Khoảng 4 giờ 45 ngày 11/6/2012, Lưu Hoàng N (xã đội trưởng xã đội V, thị xã C, tỉnh A) điều khiển xe mô tô 67H-6423 hướng từ cầu xã V đến Chợ C, thị xã C. Khi đến khu vực phường C, thị xã C, do thiếu quan sát, không làm chủ tay lái va chạm vào phía sau xe lôi đạp do ông Lưu Văn T đang điều khiển đi cùng chiều phía trước làm xảy ra tai nạn. Hậu quả làm ông T bị chấn thương sọ não, dập não, máu tụ dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện. Theo kết quả xác minh ban đầu, lỗi dẫn đến tai nạn hoàn toàn do N gây ra, hành vi của N có đủ dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra, N đã bồi thường tổng chi phí điều trị cho gia đình ông T 170 triệu đồng; ông T cùng gia đình làm đơn bãi nại, không yêu cầu khởi tố hình sự đối với N và từ chối giám định nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để xử lý hình sự hành vi vi phạm của N. 2. Một số giải pháp khắc phục được áp dụng trong thời gian qua Với các bất cập nêu trên, nhiều địa phương đã có các giải pháp nhằm đấu tranh hiệu quả đối với các tội phạm này; cụ thể như sau: - Xem xét để chuyển hướng tội danh khác mà có dấu hiệu tương tự (như từ tội cố ý gây thương tích sang chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…); tiến hành áp giải để thực hiện thực hiện thủ tục giám định. - Kết hợp giữa đánh giá tình hình và đối chiếu với bảng quy định thương tích để khởi tố vụ án. Trường hợp đối tượng gây án sử dụng hung khí nguy hiểm như súng quân dụng, súng săn, súng tự tạo, dao, kiếm, gậy gộc... hoặc có tổ chức…thì thông qua bệnh án của bị hại đã điều trị hoặc đang điều trị tại các Trung tâm y tế từ cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên, đối chiếu với bảng quy định thương tật ban hành kèm theo Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế - Bộ Lao động thương binh và xã hội xác định bước đầu về tỷ lệ thương tật của người bị hại làm căn cứ xử lý; khi xác định đủ 02 điều kiện này thì tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. - Vận động, thuyết phục, giáo dục, giải thích cho người bị hại biết quy định của pháp luật để yêu cầu họ phải đi giám định thương tích để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật. Nếu người bị hại vẫn từ chối giám định thì triệu tập họ đến CQTHTT để làm việc; kết hợp với cơ quan giám định kiểm tra, kết luận nhanh về thương tích để làm căn cứ khởi tố; áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc phối hợp với cơ quan giám định đến nhà bị hại để tiến hành giám định.[5] - Liên ngành tư pháp cấp tỉnh tại một số địa phương đã thống nhất giám định bằng hồ sơ trong trường hợp người bị hại từ chối giám định tổn hại sức khỏe. Nếu đã triệu tập từ hai lần trở lên, đến tận nhà mời và giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý mà người bị hại vẫn từ chối giám định thì có thể giám định bằng hồ sơ (bệnh án và giấy chứng nhận thương tích) mà không cần thiết phải giám định trên người của bị hại [6] để tránh việc bỏ lọt tội phạm . Với các giải pháp nêu trên, một số địa phương đã khắc phục phần nào khó khăn khi người bị hại từ chối giám định thương tích để đấu tranh có hiệu quả đối với những tội mà tỷ lệ thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại là căn cứ để khởi tố vụ án. Xem xét các giải pháp trên thấy như sau: - Giải pháp thuyết phục, vận động, giải thích cho người bị hại chỉ có hiệu quả trong trường hợp người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại đồng ý, chấp nhận đi giám định thương tích. Nếu người bị hại cương quyết không tham gia bất cứ hoạt động nào, không hợp tác thì vụ án lại đi vào bế tắc. - Việc giám định qua hồ sơ (bệnh án và giấy chứng nhận thương tích), thì có địa phương không phù hợp với thủ tục, trình tự giám định theo quy định của pháp luật nên không thể xem là giải pháp triệt để. Việc giám định tổn hại sức khoẻ được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ, trong đó không thể thiếu việc hỏi, khám xét trực tiếp người bị thương tích; ngoài ra, Pháp lệnh Giám định tư pháp (nay là Luật Giám định tư pháp) cũng quy định giám định viên có quyền từ chối giám định, nếu yêu cầu của CQTHTT vượt quá khả năng chuyên môn của họ. Vì vậy, nếu CQTHTT trưng cầu giám định thương tích “theo hồ sơ”, rất nhiều khả năng yêu cầu này sẽ bị tổ chức giám định từ chối. Hiện nay, Viện Pháp y quốc gia đã từ chối việc giám định theo hồ sơ bởi các lý do sau: Một là, tùy vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương, cơ địa của người bị các tổn thương đó, có khi thương tích ổn định, tốt lên, nhưng cũng có khi lại xấu đi. Vì vậy, kết luận tổn hại sức khỏe thời điểm hiện tại mà căn cứ vào các triệu chứng cách xa thời điểm kết luận là không phù hợp, sẽ xảy ra trình trạng khiếu kiện của bị can, yêu cầu giám định lại của người tham gia tố tụng, cơ quan tố tụng, có khi của chính người bị hại. Hai là, trường hợp giám định qua hồ sơ, giám định viên phải căn cứ phần lớn vào hồ sơ y tế. Nhưng cán bộ y tế không phải là Giám định viên và thường thì những ghi chép trong hồ sơ y tế rất chung chung, nhiều khi không chính xác vì có trường hợp ghi theo lời khai của người bệnh…. Cho nên, nếu giám định viên căn cứ vào hồ sơ y tế thì có thể dẫn đến hậu quả là cung cấp chứng cứ không đúng. Trách nhiệm kết luận giám định lúc này thuộc về giám định viên và cơ quan giám định chứ không phải do hồ sơ cũng không do cơ quan trưng cầu. Ba là, yêu cầu giám định thường có các nội dung: xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe là vĩnh viễn hay tạm thời, cơ chế gây thương tích, vật gây thương tích. Vì vậy, không thể căn cứ vào hồ sơ cách đây hàng tháng, hàng năm, có vụ nhiều năm để kết luận được. Giám định viên chỉ kết luận những gì họ khám giám định và được sự hỗ trợ cận lâm sàng, tại thời điểm giám định. Do đó, các giải pháp nêu trên chỉ là tạm thời nên vẫn cần một giải pháp hiệu quả, triệt để hơn để xử lý khó khăn này. 3. Đề xuất giải pháp khắc phục Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 155 BLTTHS, CQTHTT bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định “Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động.” Cho nên, đối với các tội mà tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ là yếu tố định lượng làm căn cứ có khởi tố vụ án hay không thì việc giám định có tính chất quyết định. Tuy nhiên, với quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS thì khi có hành vi phạm các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS xuất hiện 02 khả năng: (1) Hành vi phạm tội đáp ứng khoản 1 của các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS và (2) Hành vi phạm tội đáp ứng các khung tăng nặng của các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS. Bên cạnh đó, ngoài các tội liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS thì một số tội khác của Bộ luật Hình sự cũng dùng định lượng là tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Vấn đề người bị hại từ chối giám định thương tích được xem xét trên 02 khía cạnh sau: Thứ nhất, đối với các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS mà phải giám định tỷ lệ thương tật, mức độ tổn hại sức khoẻ để xem xét trách nhiệm hình sự Trong trường hợp này, việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại chỉ phát sinh khi có căn cứ xác định hành vi của người bị hại phạm vào khoản 1 của một trong các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS. Cho nên, khi thủ tục giám định chưa được thực hiện thì quyền yêu cầu của người bị hại cũng chưa phát sinh. Ngoài ra, nếu sau khi giám định mà hành vi phạm tội thuộc các khoản tăng nặng của một trong các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS thì việc khởi tố vụ án không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Nghĩa vụ của người bị hại trong trường hợp này giống như tất cả các công dân khác là phải thực hiện nghĩa vụ tham gia phòng chống tội phạm, nghĩa là họ phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra theo luật định, trong đó phải tạo điều kiện để cơ quan chức năng thực hiện việc giám định thương tích làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Sau khi giám định mà hành vi phạm tội thuộc khoản 1 của một trong các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS thì việc khởi tố vụ án phụ thuộc vào yêu cầu người bị hại. Thứ hai, đối với các tội không được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS Trường hợp hành vi phạm tội không thuộc một trong các tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS thì việc khởi tố vụ án không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại nên không đặt ra hành vi phạm tội phạm ở khoản nào của điều luật. Việc người bị hại tham gia giám định thương tích, tổn hại sức khỏe hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại. Có ý kiến cho rằng, nếu người bị hại giám định thương tích thì quyền lợi của họ bị xâm phạm do người phạm tội không đồng ý bồi thường ngay hoặc chỉ chấp nhận bồi thường ít hơn hoặc người phạm tội sẽ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe bản thân người bị hại cũng như người thân của họ. Theo quy định tại Điều 28 BLTTHS (giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự), Điều 7 BLTTHS (Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân) thì quyền lợi của người bị hại đã được đảm bảo cả về vấn đề bồi thường và tính mạng, sức khỏe. Như vậy, khó khăn, vướng mắc đối với việc xử lý hành vi của người phạm tội xuất phát từ nghĩa vụ của người bị hại đối với việc họ từ chối tham gia giám định thương tích. Vấn đề này chưa được BLTTHS quy định chặt chẽ dẫn đến việc nghĩa vụ của người bị hại tham gia vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm chưa đảm bảo. Cho nên, cần phải có giải pháp khắc phục việc người bị hại từ chối giám định như xảy ra trong thời gian qua. Nghĩa vụ của người bị hại được quy định chung nhất tại khoản 4 Điều 51 BLTTHS. Theo đó, “Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.”. Như vậy, người bị hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng. Việc từ chối khai báo rõ ràng khác với việc từ chối giám định. Chúng tôi cho rằng, từ chối khai báo không nghiêm trọng bằng từ chối giám định bởi vì nếu người bị hại từ chối khai báo thì cơ quan, người tiến hành tố tụng có thể sử dụng tài liệu, chứng cứ từ các nguồn chứng cứ khác như lời khai của người tham gia tố tụng khác, vật chứng…, nhưng việc người bị hại từ chối giám định thì rõ ràng căn cứ để khởi tố vụ án không được đảm bảo, chưa nói đến việc không xử lý được trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Cho nên, người bị hại từ chối khai báo thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 Bộ luật Hình sự thì việc người bị hại thực hiện hành vi nguy hiểm hơn là từ chối giám định lại không thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp. Vì vậy, theo chúng tôi cần bổ sung hành vi từ chối giám định của người bị hại vào Điều 308 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Điều 308 Bộ luật Hình sự cần sửa đổi như sau: “Điều 308. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, từ chối giám định của người bị hại hoặc từ chối cung cấp tài liệu 1. Người nào từ chối khai báo nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Bộ luật này hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định, việc giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng,…” Ngoài ra, Điều 51 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2002 đã khẳng định: “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”. Tuy nhiên, nghĩa vụ của người bị hại trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm lại chưa được quy định tương xứng. Vì vậy, cần bổ sung nghĩa vụ phải thực hiện thủ tục giám định theo yêu cầu của CQTHTT của người bị hại vào khoản 4 Điều 51 BLTTHS. Theo đó, đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 51 BLTTHS thành như sau: “Điều 51. Người bị hại… 4. Người bị hại phải thực hiện thủ tục giám định theo yêu cầu của CQTHTT. Nếu từ chối sẽ bị dẫn giải. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của CQTHTT; nếu từ chối khai báo, từ chối giám định mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.…” Tóm lại, việc người bị hại từ chối giám định gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong thời gian qua. Tuy nhiên, những quy định của BLTTHS về nghĩa vụ của người bị hại chưa đáp ứng yêu cầu trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong khi đó, việc quy định nghĩa vụ của người bị hại trong việc tuân thủ yêu cầu giám định hoàn toàn không ảnh hưởng quyền lợi của người bị hại nhưng lại góp phần đấu tranh tội phạm có hiệu quả. Do đó, cần thiết phải quy định về nghĩa vụ của người bị hại trong việc giám định thương tích nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm thời gian qua.

Không có nhận xét nào: