Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân - Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện


I/ Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Đất nước Việt Nam của chúng ta đã trải qua mấy
nghìn năm lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường để dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta đã đập tan chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho chính mình. Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 02 tháng 09 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước mà mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền cơ bản của con người, đó là quyền được sống, quyền tự do, quyền dân chủ. Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta cũng đã khẳng định quyền của công dân, trong đó có các quyền hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng các quyền của công dân vẫn luôn được đảm bảo bằng Đạo luật gốc. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Điều 70 của Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Nhằm bảo vệ các quyền của công dân, trừng trị các hành vi xâm phạm các quyền này, pháp luật hình sự đã coi các hành vi xâm phạm quyền công dân nêu tại Điều 69 và 70 Hiến pháp năm 1992 là các tội phạm. Điều 124 BLHS năm 1985 quy định: "Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, quyền hội họp, lập hội của công dân". Điều 129 BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung và quy định "Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân". So với quy định trước đây, điều luật này đã quy định thêm (bổ sung thêm) khách thể của tội phạm này là quyền tự do tôn giáo, thể hiện đầy đủ hơn quy định tại Điều 70 Hiến pháp 1992, đồng thời điều luật cũng bổ sung thêm dấu hiệu cấu thành tội phạm, đó là "đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm". Điều 129 BLHS năm 1999 quy định "Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân". 1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành vi hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. * Khách thể của tội phạm: Quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là những quyền quan trọng trong quyền tự do, dân chủ. Các quyền này được Hiến pháp ghi nhận. Khách thể của tội phạm này chính là quyền tự do, dân chủ của công dân. * Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi cản trở tự do tín ngưỡng, quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào. Hành vi phạm tội có thể được biểu hiện bằng lời nói, hành động uy hiếp tinh thần hoặc dùng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực để ngăn cản người khác tổ chức hoặc tham gia thực hiện việc hội họp hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Cũng có thể người phạm tội gây khó khăn, ngăn cản việc công dân tham gia các hội, lập hội. Theo quy định của Điều 129 BLHS thì việc hội họp và thành lập phải phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân. Phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân có nghĩa là nội dung của cuộc họp, tôn chỉ, mục đích của hội đều phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nội dung, tôn chỉ mục đích của hội họp, thành lập hội nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong nghề nghiệp hoặc trong việc phát triển kinh tế. Đời sống tinh thần được coi như tài sản riêng của con người và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Công dân có quyền tin hoặc không tin, theo hoặc không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào. Tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng với nhau, Nhà nước nghiêm cấm và xử lý rất nghiêm khắc các hành vi chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc. Hành vi phạm tội này có thể được biểu hiện bằng lời nói như nói xấu, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc về tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn cấm không cho người khác đi lễ nhà thờ hoặc nhà chùa; Cưỡng bức, ép buộc, lôi kéo người khác phải theo tín ngưỡng, tôn giáo của mình; cản trở, cấm đoán, gây khó khăn hoặc không cho phép được hội họp, thành lập hội mặc dù việc hội họp, thành lập hội hoàn toàn đúng quy định của pháp luật... Người có những hành vi nói trên đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới phạm tội (tái phạm hành chính). Bị xử lý kỷ luật là trường hợp đã có quyết định kỷ luật của chính quyền, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc, xóa tên khỏi tổ chức... Bị xử phạt hành chính là trường hợp đã có quyết định xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Lưu ý rằng các quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt hành chính phải còn trong thời hiệu (một năm), nếu đã hết thời hiệu thì người đó cũng không phạm tội. * Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của loại tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý. * Thiết kế và hình phạt. Điều 129 BLHS là một điều luật ghép bởi nhiều tội danh khác nhau: đó là các tội xâm phạm quyền hội họp; tội xâm phạm quyền lập hội; tội xâm phạm tự do tín ngưỡng và tội xâm phạm quyền tự do tôn giáo của công dân. Điều luật được thiết kế thành hai khoản: + Khoản 1: Cấu thành cơ bản mô tả các hành vi phạm tội và quy định chế tài hình phạt gồm: Cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. Đây là loại tội ít nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt chỉ là một năm tù. Do đó, nếu không có căn cứ cho rằng người phạm tội bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được áp dụng biện pháp tạm giam với họ (khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự) + Khoản 2: Hình phạt bổ sung, đó là các hình phạt bị cấm, đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều luật quy định "có thể" bị áp dụng các hình phạt bổ sung nêu trên, do đó đây là một quy định tùy nghi, cho phép Hội đồng xét xử lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng các hình phạt bổ sung này. Tuy nhiên, dù áp dụng hay không áp dụng thì Hội đồng xét xử cũng phải làm rõ tại phiên tòa và nêu rõ lý do trong bản án. * Phân biệt tội danh: - Nếu người phạm tội lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để tổ chức các hoạt động truyền đạo trái phép, gây chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc... nhằm chống chính quyền nhân dân thì đó không còn là dấu hiệu của tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo nữa mà đó là dấu hiệu của tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 87 Bộ luật hình sự). - Nếu có hành vi hội họp, lập hội trái phép, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân thì bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự. II/ Thực trạng áp dụng Điều 129 Bộ luật hình sự. 1. Thực trạng áp dụng Điều 129 BLHS của Tòa án Theo số liệu thống kê của TAND tối cao thì từ khi Bộ luật hình sự quy định tội danh này, các Tòa án chưa thụ lý, xét xử vụ án nào. Chính vì vậy, chưa thể có những kinh nghiệm thực tiễn, chưa thể đưa ra những nhận xét, đánh giá về việc áp dụng Điều 129 BLHS. 2. Nguyên nhân - Trong những năm qua, các quyền tự do, dân chủ của công dân ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và tạo mọi điều kiện đảm bảo. Công dân có toàn quyền tham gia, tin hoặc không tin tín ngưỡng tôn giáo; tham gia hội họp, tham gia các tổ chức hội hoặc không tham gia. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thành lập hội. Các hội, tổ chức mang tính chất chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội như Hội nông dân, Công đoàn, Phụ nữ... được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Các hội mang tính chất nghề nghiệp như Hội nhà báo, Hội Văn nghệ, Hội nhà văn..., Các hội mang tính chất phát triển kinh tế như Hội cây cảnh, Hội Chim cảnh, Hội nuôi ong... Tất cả các hội đều được tạo điều kiện thành lập và hoạt động nếu như tôn chỉ, mục đích của hội đó không đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân. Về tôn giáo: Trong những năm qua Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến hoạt động của tôn giáo. Đảng, Nhà nước tôn trọng và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động và phát triển. Các hoạt động xây nhà thờ, xây nhà chùa trên khắp đất nước bằng kinh phí của công dân đóng góp hoặc việc trùng tu, tôn tạo một số đình chùa bằng kinh phí của Nhà nước, chứng tỏ quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam được đảm bảo. Mặt khác, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều chức sắc trong các tôn giáo ở Việt Nam đã tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước, họ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. - Mặc dù Tòa án không xét xử vụ án nào về loại tội này, điều đó cũng không có nghĩa là các quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân đã được đảm bảo tuyệt đối. Trong xã hội của chúng ta vẫn xảy ra một số trường hợp có dấu hiệu của tội phạm này. Chẳng hạn một người theo đạo phật khi lấy vợ hoặc lấy chồng là người theo đạo Thiên Chúa thì phải từ bỏ đạo Phật mới được cha đạo làm lễ kết hôn. Tuy nhiên, một số hành vi đó có thể chỉ bị xử lý về mặt hành chính, thậm chí là không xử lý được. Cho đến nay cũng chưa có số liệu nào về việc xử lý các vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật vì vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân trong lĩnh vực này, vì vậy cũng chưa có căn cứ để đánh giá về mức độ vi phạm hoặc cao hơn là đánh giá việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật đó có chính xác hay không. - Về ranh giới giữa xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn cụ thể. Hành vi cản trở đến mức nào thì được coi là tội phạm, ở mức nào thì chỉ là xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật? Có thể do không có hướng dẫn cụ thể của các ngành tư pháp trung ương nên việc đánh giá mức độ cản trở khách nhau. Mặt khác, đây lại là một tội phạm ít nghiêm trọng, chế tài hình phạt rất thấp nên cũng tạo ra tâm lý "xử lý hành chính cũng được". III/ Một số giải pháp hoàn thiện Điều 129 BLHS 1. Về thiết kế điều luật Điều luật hiện nay được thiết kế thành hai khoản, trong đó khoản 1 là cấu thành cơ bản, khoản 2 là hình phạt bổ sung. Điều luật không có khung (khoản) tăng nặng. Đây cũng là một bất hợp lý bởi các lẽ sau đây: Một là: Việc cản trở quyền hội họp, quyền thành lập hội, quyền tự do, dân chủ trong tín ngưỡng, tôn giáo cũng có thể do cá nhân công dân thực hiện, nhưng thông thường sự cản trở này đến từ những người có trách nhiệm, có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để phạm tội. Chính vì vậy, hình phạt bổ sung của điều luật này nói riêng và hầu hết các điều luật trong Chương XIII "Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân" đều quy định hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Như vậy người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để cản trở công dân thực hiện các quyền mà Hiến pháp, pháp luật hình sự đã bảo vệ, thì rõ ràng là tính nguy hiểm của hành vi phạm tội cao hơn so với người không có chức vụ, quyền hạn phạm tội. Hai là: Trong một số trường hợp, hành vi cản trở công dân thực hiện các quyền hợp pháp có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như biểu tình tự phát, khiếu kiện kéo dài, thậm trí có thể xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như tự nhiên để phản đối dẫn đến thương tích nặng hoặc bị chết. Khi gặp những trường hợp này, do điều luật không có khung tăng nặng nên Tòa án chỉ có thể áp dụng một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS "Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự". Chẳng hạn như điểm c "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội", điểm k "Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng". Ba là: Hành vi phạm tội có thể do các đối tượng có nhân thân xấu (tái phạm, tái phạm nguy hiểm) thực hiện. Chẳng hạn các đối tượng này tụ tập nhau lại theo kiểu "xã hội đen" để đe dọa, khống chế, lôi kéo, cưỡng ép... không cho người khác để lễ nhà thờ hoặc đi chùa. Những hành vi đó rõ ràng có tính nguy hiểm cao hơn và họ phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn. Từ những lập luận nêu trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất việc thiết kế lại điều luật này như sau: Điều 129: Tội xâm phạm quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo của công dân. 1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm: a, Có tổ chức; b, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c, Gây hậu quả nghiêm trọng; d, Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 2. Hướng dẫn áp dụng pháp luật Các tội phạm quy định tại Chương XIII BLHS "Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân" trên thực tế ít xảy ra. Có chăng, Tòa án mới chỉ xét xử một số vụ án về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, các tội khác trong Chương này hầu như không xét xử vụ án nào. Có lẽ đây là loại tội "hiếm" gặp nên trong nhiều năm qua, TAND tối cao cũng như các ngành tư pháp trung ương không xếp vào nhóm tội cần ưu tiên nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng. Vì vậy, một số tình tiết định khung hình phạt như gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc các tình tiết định tội như "cản trở" quy định tại Điều 126,130 BLHS cũng chưa được hướng dẫn để thống nhất nhận thức. Do vậy, chúng tôi kiến nghị TAND tối cao, các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về một số quy định của Chương XIII Bộ luật hình sự. 
                                                                                                                              Nguyễn Quang Lộc

Không có nhận xét nào: